Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân của đại biểu HĐND ngày càng được tăng cường theo hướng thiết thực, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả, với tinh thần “gần dân, hiểu dân, vì nhân dân”.
Ngày 25/3, tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với những kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Trong thành tựu chung đó, có vai trò quan trọng của các cơ quan dân cử, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và của từng địa phương; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển; thực hiện đột phá chiến lược, rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông, giải phóng các nguồn lực và tạo động lực mới cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bà Thanh đánh giá, thực tiễn hoạt động của HĐND năm 2023 đã khẳng định HĐND các tỉnh, thành phố đã luôn chủ động thực thi chương trình, kế hoạch nhiệm vụ toàn khóa trên địa bàn, bên cạnh đó luôn kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh hoặc những công việc đột xuất trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn gặp nhiều rào cản phải tháo gỡ hoặc triển khai thực hiện tốt các chủ trương mới của Trung ương.
Thường trực HĐND tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban để rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất theo kế hoạch gắn với nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, thành phố.
Nổi bật là hầu hết các địa phương đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc điều hòa, phân công, phối hợp thực hiện các chương trình giám sát chuyên đề, phù hợp với thực tiễn, định hướng chỉ đạo hoạt động giám sát, khảo sát có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực; chỉ đạo phát huy hiệu quả chức năng giám sát, với nhiều hình thức được thực hiện.
Chẳng hạn như: Chất vấn, giám sát chuyên đề, thành lập đoàn giám sát, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND; tăng cường công tác khảo sát thực địa nhằm kiểm chứng tính xác thực; đánh giá toàn diện, đa chiều, nhận xét khách quan, cụ thể, rõ nội dung, trách nhiệm trong các Thông báo kết luận, đảm bảo về căn cứ pháp luật, đầy đủ về cơ sở thực tế, thẳng thắn, trách nhiệm và không né tránh những vấn đề còn tồn tại, hạn chế.
Hoạt động tái giám sát của các Ban HĐND, giám sát của Tổ đại biểu HĐND, theo dõi thực hiện các kết luận sau giám sát được tăng cường; tiếp tục phát huy sức mạnh của truyền thông để tham gia vào các hoạt động giám sát, đã góp phần giải quyết hiệu quả những tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau giám sát, làm chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương; thường xuyên rà soát, đánh giá việc triển khai các kiến nghị sau giám sát, tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình tổ chức, triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND.
Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân của đại biểu HĐND ngày càng được tăng cường theo hướng thiết thực, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả, với tinh thần “gần dân, hiểu dân, vì nhân dân”, quan tâm tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ngành, giới, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm các địa phương, đồng thời tích cực làm việc với các đơn vị, cơ quan có liên quan để giải quyết từng vụ việc cụ thể đã góp phần nâng cao chất lượng trong quyết định của HĐND sát thực tiễn, kịp thời, đúng pháp luật, hợp lòng dân.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp hoạt động, giữ mối liên hệ công tác với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đoàn ĐBQH, UBND, UBMTTQ Việt Nam cùng cấp và các đoàn thể nhân dân được tăng cường trên tất cả các mặt công tác. Bên cạnh đó, nhiều phương thức hoạt động mới được HĐND triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả và tính tương tác cao, được cử tri quan tâm theo dõi và đánh giá cao như đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác; phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí để phát thanh truyền hình trực tiếp các diễn đàn đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp.