Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học: Còn nhiều lúng túng

Phong Vũ 31/07/2015 10:10

Từ ngày 28 đến hết ngày hôm nay (31/7), Bộ GD&ĐT tổ chức lớp tập huấn cốt cán “Kỹ năng xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học” cho gần 200 cán bộ của 16 tỉnh, thành phố phía Bắc. Trước đó, Bộ đã tổ chức các lớp này tại Cần Thơ, Nghệ An và Đà Nẵng.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học: Còn nhiều lúng túng

Các học sinh THCS tại Hà Nội trong một lần trải nghiệm thực tế
tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Khó khăn cho các trường vùng sâu vùng xa

Khóa tập huấn Xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học lần này có gần 200 cán bộ, giáo viên cốt cán đến từ 16 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Các cán bộ, giáo viên được tập huấn theo 4 mô đun là: Một số vấn đề chung về hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường phổ thông ở các nước trên thế giới và Việt Nam cấp trung học; Các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học trong chương trình hiện hành và chương trình mới sau năm 2015; Đánh giá kết quả hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học; Kỹ năng tổ chức triển khai, hỗ trợ việc học của học viên và quản lý, đánh giá kết quả tập huấn đại trà về hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học qua mạng thông tin trực tuyến.

Tại đợt tập huấn có nhiều thầy cô đến từ các trường vùng sâu, vùng xa. Theo nhiều cán bộ các tỉnh này, đa phần học sinh nhà trường là con em dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp xúc với cái mới còn khó khăn, vì vậy những hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường các em không được biết đến. Đơn cử trường THCS Phiêng Luông – huyện Mộc Châu – tỉnh Sơn La.

“Mặc dù đã cố gắng áp dụng hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong hoạt động dạy và học nhưng cả trường 188 học sinh (chỉ có 10 em người Kinh, 178 em người dân tộc thiểu số với 63% là dân tộc Dao), nên việc học tập của các em ở nhà không được đầy đủ. Sáng đến lớp, chiều về nhà đi làm, vậy thì trải nghiệm sáng tạo ở chỗ nào” – Thầy Ngô Công Tráng, Phó Hiệu trưởng trường THCS Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La giãi bày.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hòa – phụ trách mảng THCS, Phòng GD&ĐT TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên: Đối với những địa phương vùng khó, khi phụ huynh chưa hiểu hết mục đích ý nghĩa của các hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì việc huy động nguồn lực xã hội hóa là điều không thể. Vì vậy tuyên truyền, làm cho phụ huynh thấy năng lực của con em mình được phát huy như thế nào thông qua những hoạt động trải nghiệm sáng tạo là điều hết sức cần thiết.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học: Còn nhiều lúng túng - 1

Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo chưa bài bản

Mặc dù nhiều trường hiện nay đã tổ chức tốt chương trình trải nghiệm sáng tạo, tuy nhiên phần lớn những hoạt động này chưa có cách thức thực hiện khoa học. Hoạt động hướng nghiệp, hoạt đông giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa dừng lại ở mức độ các hoạt động giúp học sinh bước đầu bước vào thực tiễn cuộc sống, tuy nhiên hoạt động trải nghiệm sáng tạo cao hơn rất nhiều. Đơn giản hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp cho học sinh đem những kiến thức, kĩ năng thái độ đã học được để vận dụng vào thực tế cuộc sống từ đó phát triển năng lực thực của bản thân, thích ứng với cuộc sống.

“Các nhà trường một cách tự nhiên đã làm được phần nào đó, nhưng bây giờ nhìn các công việc làm của mình một cách hệ thống logic dưới góc độ khoa học để định hướng năng lực một cách xuyên suốt cho học trò cần tập huấn và chia sẻ” – TS Trần Văn Tính, ĐHQG Hà Nội phân tích.

Từ thực tế địa phương, ông Đặng Trần Hiệu – Phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT Lai Châu cho hay: Hiện nay trải nghiệm sáng tạo mới chỉ dừng ở hoạt động ngoài giờ lên lớp, bổ trợ cho hoạt động giáo dục. Giáo viên cũng chưa hiểu hết được mục đích, ý nghĩa của hoạt động này nên việc tổ chức chưa được thường xuyên, liên tục ở các trường Trung học trên địa bàn tỉnh.

Những sáng tạo riêng trong tổ chức

Nhận định việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các trường phổ thông là một hướng đi đúng và cũng là một phần quan trọng trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, trong 2-3 năm gần đây, Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang đã thí điểm mô hình trường học gắn liền sản xuất kinh doanh và mô hình phát triển chương trình nhà trường tại 7 trường THPT trong toàn tỉnh.

Ông Vũ Văn Dũng – Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học Sở GD&ĐT Tuyên Quang cho biết: Tuyên Quang có các mô hình trồng cây chè, cây mía. Tại đây, học sinh được tiếp xúc với các công nhân, biết được kĩ thuật trồng và tham gia trực tiếp vào quá trình chăm sóc, thu hoạch, tạo ra sản phẩm cây chè và mía ở Tuyên Quang. Đồng thời Sở cũng khuyến khích các trường THPT, THCS phối hợp với Trung tâm kĩ năng sống tỉnh Thái Nguyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trong các dịp lễ, khai giảng đầu năm.

Trong khi đó, phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT Lai Châu tổ chức dạy học gắn liền với các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chẳng hạn: “Ở môn Giáo dục công dân đã đưa học sinh tới các khu bảo tồn di tích, đài tưởng niệm để các em vận dụng các bài học bảo tồn thiên nhiên hoặc giữ gìn các cảnh quan của địa phương hoặc đưa các em về các khu sinh thái để các em làm quen với việc bảo vệ môi trường. Với những môn học cơ bản thì thành lập các CLB để các em giao lưu học hỏi với nhau, đồng thời tích hợp các hoạt động chào cờ, hướng nghiệp” – Ông Đặng Trần Hiệu, Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Lai Châu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học: Còn nhiều lúng túng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO