Ngày 15/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”.
Tìm hướng đi đúng
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương cho biết: Đất nước ta cũng như nhân loại đã và đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi to lớn và cả những thách thức, khó khăn không nhỏ từ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của cơ chế kinh tế thị trường. Tất nhiên, nếu chúng ta có đủ bản lĩnh, trí tuệ, biết chọn hướng đi, cách làm, chắc chắn chúng ta sẽ khai thác và tận dụng tối đa mặt thuận lợi và các cơ hội to lớn; hạn chế khó khăn, thách thức.
Ngày nay, sáng tạo trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của nhiều quốc gia. Phát triển kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, VHNT sáng tạo... đang là xu hướng lớn, thời cơ lớn. Những thay đổi này ảnh hưởng rất lớn và sâu sắc đối với quá trình sáng tạo, tiếp nhận và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ ở Việt Nam ta. Nhiều điều kiện, tiền đề để các ngành văn hóa, văn học, nghệ thuật phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có, những phương tiện quan trọng trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, các tác phẩm VHNT, ảnh hưởng nhiều mặt, nhiều chiều đến tư tưởng, thẩm mỹ, đạo đức, lối sống của xã hội.
Tuy nhiên, ông Kỷ cũng bày tỏ những băn khoăn, trước bối cảnh ấy, VHNT với thế mạnh đặc thù riêng có, với tư cách là một lĩnh vực “rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá” đã làm gì và đã hiện diện như thế nào? Những vấn đề nào trong đời sống xã hội đương đại đã trở thành sức hút, sức hấp dẫn đối với văn học, nghệ thuật? Làm thế nào để văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ ý thức rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình trước đất nước và nhân dân? Làm thế nào để văn nghệ sĩ sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh để nắm bắt và chuyển hoá sự ngổn ngang, bề bộn, nhiều mặt phức tạp của hiện thực đổi mới đất nước thành tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, chấn chỉnh?
Về vấn đề này, GS Phong Lê cho rằng, phải xác định thế hệ trẻ là lực lượng chủ công dấn thân vào những vấn đề thời sự của đất nước để sáng tạo những tác phẩm chất lượng. Còn PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề cập những đóng góp to lớn, nhanh nhạy, vận dụng hiệu quả công nghệ, nền tảng số của lực lượng văn nghệ sĩ để đóng góp vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 thông qua những tác phẩm văn học, nghệ thuật đa dạng, phong phú…
Vượt lên trong khó khăn
PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương bày tỏ: Vào đúng thời điểm này, chỉ tính riêng trong nước, hàng ngàn người vẫn đang bị lây lan dịch bệnh. Trong hoàn cảnh đó, với tư cách là những trí thức, văn nghệ sĩ, những cán bộ khoa học, chúng ta không thể làm ngơ, không thể đứng ngoài cuộc để bàn về những chuyện học thuật thuần tuý, cần thì cần thật nhưng sẽ khó tránh khỏi tình trạng vừa thờ ơ, vô cảm, lạc lõng, lạc điệu; vừa không ăn nhập gì với đời sống xã hội và an ninh của đất nước, con người đang trong lúc “nước sôi lửa bỏng”.
Cũng theo ông Thưởng, khác với hoạt động chống dịch, các nhà văn, nhà thơ, các nhạc sĩ - nghệ sĩ, bằng tài năng và nhiệt huyết công dân của mình, giống như người tiếp lửa, đã kịp thời mang đến những lời ca, tiếng hát, những áng văn thơ làm xúc động lòng người, động viên, cổ vũ tinh thần, biểu dương những phẩm chất cao đẹp, những tấm gương dũng cảm hi sinh vì sự bình yên của cuộc sống, vì những giá trị nhân văn cao cả của con người.
Trước những góp ý của các đại biểu, ông Lại Xuân Môn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò rất quan trọng của VHNT, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những quyết sách phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho đội ngũ văn nghệ sĩ yên tâm phấn đấu, sáng tạo.
Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế cung cấp thông tin, lắng nghe ý kiến phản biện, đảm bảo cho văn nghệ sĩ hiểu rõ về quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý lĩnh vực VHNT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương tổ chức nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, rào cản, từ đó kịp thời hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả cho hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật, hệ thống cơ chế, chính sách khoa học, sát với thực tế, đảm bảo tự do sáng tác, cải thiện điều kiện làm nghề, giải phóng và thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.
“Cần rà soát, bổ sung cơ chế đầu tư, tài trợ, đặt hàng, cơ chế thi đua khen thưởng, tôn vinh để tạo động lực và điều kiện đảm bảo cho các tác phẩm phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển trở thành dòng chủ lưu trong đời sống VHNT” - ông Môn nói.
Các đại biểu tại Hội thảo chia sẻ, trong hoạt động văn hoá hiện nay, không nên quên “thế giới mạng” với muôn vàn loại hình và những lợi thế vô biên của nó. Số người Việt Nam tham gia thế giới này đang ngày càng tăng, thuộc mọi lứa tuổi. Nếu một tiểu thuyết mới chỉ in hàng nghìn, một tập thơ in 500 bản đã khó bán hết thì một ca sĩ, thậm chí không là nghệ sĩ vẫn có hàng triệu, chục triệu người theo dõi mỗi ngày. Công nghệ trộn lẫn thế giới ảo và thật đang bước đầu thực hiện sẽ mang tới một loại hình sáng tạo hình ảnh nghệ thuật mới, làm thay đổi nhiều hình thức hoạt động truyền thống, càng nhắc nhở sự quan tâm của những cơ quan lập chính sách, quy định trong thời kỳ mới.