Để không có những đứa trẻ hư, mỗi bậc cha mẹ, ông bà, anh chị... hãy học cách nhường nhịn, cảm thông, chia sẻ với những người xung quanh để làm gương cho chúng.
Cơ quan CSĐT công an các quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân (Hà Nội) thời gian qua đã khởi tố, bắt giam một số bị can đang ở độ tuổi thanh thiếu niên. Lý do chỉ đơn giản là do tức khí nhất thời dẫn đến va chạm, xô xát rồi nổi máu côn đồ vác hung khí gây án. Có đứa thì chỉ vì va chạm giao thông mà đập phá xe người khác, có đứa thì chỉ vì tức nhau lời nói trên mạng mà kéo lê dao kiếm diễu phố đi tìm đối thủ giải quyết...
Lẽ đương nhiên khi phạm tội là phải trả giá, song cũng thật đáng thương cho các bị can này. Đáng thương ở chỗ, các bị can này đều đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, cái tuổi “ẩm ương” thích thể hiện bản thân. Tất nhiên, để đi đến kết cục phải “vô khám bóc lịch”, đại bộ phận trong số những đứa trẻ này đều thiếu sự dạy dỗ, yêu thương. Hầu hết trong số bọn chúng đều đã bỏ học dở chừng, lang bạt kỳ hồ không có người kiểm soát.
Nói một cách hình tượng thì mỗi đứa trẻ đều như những tờ giấy trắng, tùy thuộc người lớn viết hoặc vẽ sao nên vậy. Thực tế hơn có nghĩa là, nếu một đứa trẻ được yêu thương, được dạy dỗ học hành đến nơi đến chốn thì khả năng thành đứa trẻ hư chiếm tỷ lệ rất thấp, nếu không muốn nói là khó có thể xảy ra.
Dĩ nhiên, thực tế thi thoảng cũng vẫn có một vài đứa trẻ được gia đình, bố mẹ hết mực yêu thương, thày cô giáo dục tận tình, nhưng vì một lý do hay hoàn cảnh tác động nào đó, chúng vẫn phạm tội. Song, số trường hợp này chỉ là cá biệt không nhiều, khi được chỉ ra lỗi đã phạm phải, chúng dễ dàng nhận thức, sửa đổi rất nhanh.
Nói như vậy để thấy rằng, môi trường xã hội, bối cảnh gia đình, quan điểm dạy dỗ của gia đình, nhà trường, sự làm gương của người lớn có tác động rất lớn đến hành vi và nhân cách của mỗi đứa trẻ. Khi bố hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với mẹ, con cái sẽ có xu hướng phát triển tính cách bạo lực. Khi người lớn sẵn sàng chửi rủa người khác chỉ vì lý do đơn giản, trách sao con trẻ không học theo thói côn đồ?
Nếu bố mẹ, người thân làm gương nhường nhịn mỗi khi xảy ra xung đột, chắc chắn con trẻ không thể đi gây sự với bà bầu khi va chạm giao thông, càng không vác gậy sắt đập phá xe người can ngăn, nói lời phải trái. Thói xấu, sự côn đồ, máu hung hăng của trẻ hình thành từ đâu nếu không phải là từ cách xư xử của người lớn trong cuộc sống hàng ngày?
Hay nếu như học hành đến nơi đến chốn, được quản lý giám sát chặt chẽ, con trẻ lấy đâu ra thời gian để ngồi chơi game, chát chít trên mạng, làm sao có thể dẫn đến xung đột rồi đi tìm nhau để xưng hùng xưng bá? Nếu bố mẹ để mắt tới nhiều hơn, đứa trẻ sẽ không thể ngang nhiên vác dao kiếm kéo lê diễu hành đường phố tìm địch thủ.
Tất nhiên, cũng không thể nói tất cả những đứa trẻ hư đều là do lỗi ở bố mẹ chúng. Nhà trường và toàn xã hội cũng có trách nhiệm không nhỏ trong những hành vi xấu của những đứa trẻ. Ở một số nơi, một số lúc, thay vì dùng tình cảm yêu thương để cảm hóa học trò, thày cô lại chọn biện pháp phạt, thậm chí đuổi học cho “nhẹ nợ”. Thất học thì chúng sẽ đi đâu để học điều hay, nên chỉ còn con đường nhập bọn với kẻ xấu.
Hay như nhiều người lớn trong số chúng ta khi ra đường, đến chỗ công cộng, thay vì làm điều tốt lại bộc lộ thói hư tật xấu, thay vì nhường nhịn thì lại tỏ ra nguy hiểm, hung đồ. Như vậy thì làm sao có thể nêu gương tốt cho con trẻ? Để không có những đứa trẻ hư, mỗi bậc cha mẹ, ông bà, anh chị... hãy học cách nhường nhịn, cảm thông, chia sẻ với những người xung quanh để làm gương cho chúng.