Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Học đường không smartphone

Vi Cầm 07/09/2024 07:17

Không phải cho đến năm học 2024 - 2025, câu chuyện trường học không smart phone (điện thoại thông minh) mới thành chủ đề quan tâm của dư luận. Ở những mùa khai giảng trước đó, nhiều nhà trường đã có nội quy rõ ràng, yêu cầu học sinh không mang điện thoại tới lớp.

Trong Lễ khai giảng năm học mới 2024- 2025 vừa rồi của Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM), PGS.TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM đã dặn dò các trò nên bớt sử dụng điện thoại trong trường học. Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt. Nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành tù binh của mạng xã hội và game. Nhà tù vô hình này có thể chôn vùi tuổi thanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em. Bớt sử dụng điện thoại, bớt những cám dỗ tầm thường, dồn tâm trí cho những công việc phi thường. Ông Quân mong muốn Trường Phổ thông năng khiếu phải là nơi không có điện thoại di động trong lớp học.

Quan điểm của PGS.TS Vũ Hải Quân đã được rất nhiều phụ huynh và giáo viên ủng hộ. Trên thực tế, đã từng có những tranh luận trên các diễn đàn mạng xã hội thời gian qua về việc có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường hay không? Tất nhiên cũng có 2 luồng quan điểm trái ngược nhau. Người đồng tình thì cho rằng nên cấm. Nhưng có một bộ phận khác cho rằng, chúng ta đang sống ở thời đại công nghệ 4.0, việc giao bài tập cho học sinh, phổ biến nội dung của trường lớp… đều được giáo viên chủ nhiệm thông qua các group trên mạng xã hội; cùng đó điện thoại còn là phương tiện để liên lạc giữa phụ huynh và học sinh, thuận tiện đưa đón các em mỗi ngày… Vì thế cấm các em dùng điện thoại di động e sẽ là bất tiện.

Một kết quả khảo sát Google thực hiện năm 2022 cho thấy độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9, trong khi trên thế giới là 13. Nghĩa là trẻ em Việt Nam đang có điện thoại di động sớm hơn 4 năm so với trẻ em trên thế giới, mà lại không được đảm bảo sử dụng an toàn.

Vào tháng 7/2023 tổ chức UNESCO đã đưa ra lời kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học. Bởi việc kết nối trực tuyến không thể thay thế sự tương tác giữa con người. Việc sử dụng công nghệ số phải nhằm nâng cao trải nghiệm học tập, mang lại lợi ích cho người học và giáo viên thay vì gây ra tác động tiêu cực cho người dùng. Tháng 8 vừa qua, Bộ Giáo dục Pháp đã quyết định cấm học sinh dưới 15 tuổi dùng điện thoại trong trường học.

Tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. So với các quy định trước đó, điểm mới của văn bản này là "học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Đồng thời, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp”. Song ngay cả khi có văn bản này, những quan điểm trái chiều vẫn tồn tại song hành. Trước thắc mắc của nhiều cử tri về việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học có nên hay không?, Bộ GDĐT nhấn mạnh việc sử dụng điện thoại ở trường “về cơ bản” vẫn là hành vi bị cấm.

Thực tế thì nhiều trường học tại Hà Nội đã có những quy định riêng về việc sử dụng điện thoại di động. Đơn cử như yêu cầu học sinh phải gửi điện thoại vào tủ đồ cho đến cuối buổi học. Nhưng khi trò cố tình vi phạm các thầy cô lại chưa xử lý nghiêm. Hoặc chính các thầy cô cũng lướt Facebook, Zalo… trong khi các em làm bài kiểm tra trong lớp. Thành thử đa phần học sinh “nhờn” phép tắc…

Những quy định nửa vời khiến người ta băn khoăn rằng hiện nay ta đang cấm hay cho phép sử dụng điện thoại di động trong trường học? Trong khi không ít học sinh nghiện sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội từ rất sớm; nhiều vụ bạo lực học đường xuất phát từ việc học sinh sử dụng smartphone; học sinh lạm dụng điện thoại để quay video clip để tung lên mạng xã hội. Bên cạnh đó, điện thoại cũng gây xao nhãng học tập, là tác nhân gây cận thị học đường... Vì thế, nếu không quản lý được việc sử dụng điện thoại di động trong trường học một cách rốt ráo, trên cơ sở tôn trọng, phát huy tính tự nguyện tự giác của học sinh, đồng thời áp dụng kỷ luật nghiêm minh, thì sẽ khó thực thi các lệnh cấm mang tính duy lý trí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học đường không smartphone