Học giả Nguyễn Văn Vĩnh: Những góc nhìn về nho giáo Việt Nam

Nguyễn Lân Bình 02/06/2017 17:35

LTS: Vừa qua, nhân ngày giỗ học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) lần thứ 81, ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã trả lời đề nghị của các bạn sinh viên Khoa Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội một số câu hỏi liên quan đến sự nghiệp văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh.

Nguyễn Văn Vĩnh (bìa phải), cùng Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh tại Paris năm 1922..

Để hiểu thêm về quan điểm tư duy của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người đã có công đóng góp lớn lao trong sự nghiệp xây dựng nền văn học chữ Quốc ngữ, chúng tôi xin đăng nguyên văn nội dung trả lời của ông Nguyễn Lân Bình.

Câu hỏi của sinh viên:Cụ Vĩnh là người kịch liệt phản đối chế độ phong kiến, tay sai hữu danh vô thực như vậy, thì cụ có thái độ như thế nào với tư tưởng Nho giáo được xem là một trong những nguyên nhân khiến đất nước trì trệ, kiệt quệ?

Trả lời: Hiện anh, chị đã có trong tay cuốn "Lời Người Man di hiện đại", nội dung cuốn sách này khi đọc, anh (chị) sẽ tìm thấy những thái độ, lối suy nghĩ của Nguyễn Văn Vĩnh (NVV) trước các tập tục, lối sống của người nông dân VN cách đây trên 100 năm, một lối sống liên quan khá chặt chẽ đến cách tư duy Nho giáo, hệ tư tưởng nền tảng của Phong kiến VN.

Qua các di cảo của NVV, chúng tôi không thấy có thái độ bài xích hay dèm pha những di sản của Phong kiến VN. NVV chỉ nêu những bất cập và những ảnh hưởng tiêu cực của lối sống lạm dụng tư tưởng Nho giáo, mượn danh phong tục, coi sự phê phán đấu tranh là bất trung, bất hiếu, đòi duy trì nhiều tập quán bất công, nhất là với nông dân, một tầng lớp nghèo khổ và ít được học hành.

NVV là người không bằng lòng với thuyết định mệnh của Nho giáo, theo NVV, đó là một lối tư duy thiếu biện chứng. NVV cũng không chấp nhận quan niệm vua tôi, NVV muốn mỗi cá thể trong một xã hội đều có quyền sống, tồn tại như nhau theo nguyên tắc bình đẳng, không được cản trở khả năng sáng tạo và tiến bộ của con người, không lạm dụng sự kém hiểu biết của người khác để tiếm quyền cai trị.

Cụ thể, khi phê phán sự lạm dụng tín ngưỡng, NVV đã chỉ rõ:

“Thờ một ông Thánh, nghĩa là làm để cho lưu danh ông ấy lại, chứ không phải triệu hồn ông ấy về, ăn miếng thịt quay, uống ba chén rượu, rồi khấn ông ấy điều gì cũng được đâu.

Xưa nay nước mình hay cúng vái là chỉ vì bởi hiểu nhầm chữ Sự (là thờ)”

(Thiếu gạo ăn, thừa giấy đốt – Đăng Cổ Tùng Báo 30/5/1907).

Ngày 11/5/1922, trong lần đi dự Đấu xảo (Hội chợ) ở Pháp, khi trao đổi với NVV và Phạm Quỳnh, Phan Châu Trinh (lúc này đang ở Pháp, do bị “cách ly” khỏi các phong trào chính trị ở VN) đã nêu một phương án chính trị, đó là việc phải hạ bệ vai trò của Triều đình Nhà Nguyễn, lập ra Quốc hội, xây dựng một thể chế chính trị mới theo hướng cộng hòa tiến bộ (vấn đề này, sau này chính NVV đã trao đổi với Phan Bội Châu năm 1926 tại Huế, và NVV đã bị câu lưu khi trở lại Hà Nội – SPCE 374 – CAOM – TT Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp).

Tuy nhiên vào thời điểm đó (1922), NVV đã không đồng tình với Phan Châu Trinh chủ trương chính trị này, và NVV đã lập luận với Phan Châu Trinh rằng, người dân An Nam vốn gắn bó và quen sống với nền quân chủ đã từ quá lâu, họ chưa có khái niệm đầy đủ về quyền bình đẳng, dân chủ, vì vậy họ chưa có trình độ để tiếp nhận quyền sử dụng quốc hội. Cần phải có thêm thời gian.

Trong những bài viết của mình liên quan đến những tập tục do ông cha để lại, NVV vẫn nhìn thấy những khía cạnh tích cực của lối sống cũ, sản phẩm của tư duy Nho giáo, đặc biệt là việc nó tạo ra một trật tự nhất định trong cuộc sống cộng đồng của người dân nói chung. Nhưng khi nó bị tác động bởi những thay đổi cấu trúc xã hội, do xuất hiện vai trò của Chủ nghĩa Thực dân và tiến bộ kỹ thuật, nó đã bị biến thái thành những hủ tục, làm cơ cực hơn cuộc sống của người nông dân vốn vẫn luôn ở trạng thái yếu kém, ngu muội.

NVV rất lo lắng trước lối sống và hướng tồn tại của đa phần các nhà nho VN, sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo kéo dài hàng nhiều thế kỷ.

Xin được dẫn một đoạn ngắn trong một bài thuyết trình của NVV tại Hội quán Trí Tri ở 47 phố Hàng Quạt, năm 1907, năm của Đông Kinh Nghĩa Thục.

“....Còn nhà nho thì khốn (khốn khổ b/t) học, gia công đèn sách, cũng chẳng qua cố lấy đôi hia cái lọng, khi đã được rồi như người được câu thần-chú mở cái cửa công-đường. Làm đến quan chữ-nghĩa xưa không dùng đâu đến nữa; thì cái cần-lao đó có gọi là cần-lao hữu-dụng được không?”.

(Sự nghiệp NVV - Nguyễn Văn Tố đăng trên tạp chí “Tin tức – Hội Tương tác Giáo dục Đông kinh”, cuốn số 16, năm 1936 – Phạm Toàn dịch từ tiếng Pháp).

Có thể nhận thấy, trong các lập luận của mình về các vấn đề quan trọng của xã hội, khi bày tỏ, NVV không có thái độ bài xích, hay bằng những lời lẽ gay gắt nói xấu bất kỳ một đối tượng nào, không chỉ đối với Nho giáo, mà kể cả đối với những gương mặt chính trị, quyền lực, những nhân vật có danh trong các phong trào xã hội và bộ máy cai trị. Các bạn hãy đọc đầu đề một bài viết của NVV năm 1931, lên án chủ trương duy trì chế độ Quân chủ Lập hiến, dựa trên nền tảng ẩn chứa nhiều khía cạnh bất bình đẳng giữa Chính phủ Bảo hộ và người dân An Nam thông qua nội dung Hiệp ước Patenôtre (Hiệp ước Giáp Thân giữa Pháp và Triều đình Huế)), để thấy cái sự minh bạch đến liều lĩnh của NVV ở mức nào:

Exposé des motifs du projet de loi du traité de 6 juin 1884 aux noms de M Jules Grévy Président de la RF (République Francaise) par M. Jules Ferry, Président de conseil Ministre des affaires étrangères.

(Bản tường trình của ông Jules Ferry, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Hội đồng về Những vấn đề trong dự án luật của bản Hòa ước 6/6/1884, nhân danh ngài J.G Tổng thống Cộng hòa Pháp – Người dịch: Thu Nguyên).

Thái độ và lối sống này của NVV đã động chạm đến nhiều gương mặt nổi danh cùng thời như: Phan Bội Châu, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Toàn quyền Đông Dương Eugène Jean Louis René Robin....

NVV là kẻ hiếm hoi trong lịch sử, phê phán thẳng thắn (đôi khi triệt để) mọi hành vi, hoặc phát ngôn của những gương mặt nhân danh cho các hệ tư tưởng mà theo NVV, những quan điểm đó là không phù hợp, hoặc bất lợi cho người dân, cản trở mục tiêu xây dựng một nền cộng hòa, một xã hội bình đẳng, dân chủ, và cuộc sống của một cộng đồng phát triển. Với NVV, không có ngoại lệ nào, không có gương mặt nào ngoại lệ trong mặt trận phê phán, nhất là khi phát hiện rõ sự bất cập.

NVV luôn đòi đi tới cùng trong những phân tích, giải thích những điều mà NVV đề cập, đặc biệt là lĩnh vực quản lý đất nước, các chính sách xã hội, và các luồng tư tưởng phát sinh trong quá trình vận động. Đơn cử như việc NVV phân tích ảnh hưởng của nền sản xuất và chế biến rượu cồn, NVV đã viết liền 7 bài trên Nước Nam Mới. Hay như vấn đề đút lót, tham nhũng và hối lộ, NVV viết liền 5 bài. Hay 3 bài liên tiếp bình luận về nhãn quan chính trị của Thượng thư Phạm Quỳnh, hoặc loạt bài nhận định về phương thức hoạt động của bộ máy cai trị của Triều đình Huế, với đầu đề Từ Triều đình Huế trở về.....

Xin được nhắc lại, thông qua các tư liệu được tổng hợp, chúng tôi nhận thấy NVV không hề có thái độ miệt thị bất cứ một đối tượng xã hội nào trong các bài viết của mình, mà ông chỉ muốn sòng phẳng đối với những người có trách nhiệm quản lý xã hội, họ cần biết cách hướng dẫn quần chúng đi theo cách tư duy lô gic của những tư tưởng khoa học, tránh xung đột bạo lực. NVV luôn chống lại sự áp đặt, chống lại cường bạo và sự gian dối.

Khi trình bày các quan điểm của mình, NVV thường kiến nghị, hãy cùng nhau xem xét những gì có lợi cho đa số, để cùng bảo tồn, hay cùng khắc phục, hay loại bỏ, nhằm đạt được sự tiến bộ xã hội đích thực, thực hiện ước mơ tạo dựng một dân tộc lấy trí tuệ, bình đẳng và dân chủ để vươn lên ngang hàng với chính kẻ hiện đang đô hộ mình. Theo NVV, khi đạt được những tiêu chuẩn này, mặc nhiên chúng ta sẽ có một quốc gia vững mạnh bền lâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học giả Nguyễn Văn Vĩnh: Những góc nhìn về nho giáo Việt Nam