Giáo dục

Học phí các trường đại học hiện nay ra sao?

Cao Lan 21/01/2024 12:58

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về học phí công lập. Theo đó, lộ trình tăng học phí đại học lùi một năm so với Nghị định 81. Hiện đang là giữa năm học 2023-2024, nhiều trường đại học cho biết vẫn giữ mức học phí ổn định, tăng ít trong năm học này.

baichinh.jpg
Lộ trình tăng học phí được lùi lại 1 năm so với Nghị định 81. Ảnh minh họa.

Mức tăng học phí theo Nghị định 97

Theo Nghị định 97, trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu như Nghị định 81. Còn mức thu đang áp dụng là 0,98-1,43 triệu đồng.

So với mức thu cũ, trần học phí năm học 2023-2024 ở nhóm ngành nghệ thuật tăng không đáng kể (0,02%), khối ngành Y - Dược tăng mạnh nhất (71,3%). Trần học phí các khối ngành khác tăng dao động 20-30%. Riêng nhóm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, mức tăng là 15,8%. Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,7-3,5 triệu đồng/tháng.

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4-6,1 triệu đồng/tháng trong năm học 2023-2024. Sau 5 năm, mức trần này tăng lên 3,4-8,75 triệu đồng/tháng…

Trước đó, Nghị định 81 được Chính phủ ban hành năm 2021, quy định lộ trình tăng học phí công lập đến năm 2026. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu giữ nguyên học phí. Do đó, đã ba năm liên tiếp các trường đại học không tăng học phí. Theo Nghị định 97, học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81.

Nhiều trường đại học tăng dưới mức trần học phí

Thông tin từ Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhà trường đã xây dựng mức học phí mới áp dụng từ học kỳ 1 năm học 2023-2024, bình quân tăng 20% tùy từng ngành nhưng dưới mức trần cho phép của Nghị định 97.

“Tăng học phí sẽ đảm bảo được các nguồn chi cho giảng viên, cơ sở vật chất và các điều kiện khác. Với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường có chế độ học bổng ngân sách trích từ học phí, học bổng của các doanh nghiệp và quỹ học bổng truyền thống Giao thông Vận tải của cựu sinh viên” - PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất, mức học phí đang là 383 nghìn đồng/tín chỉ, tương đương 12-15 triệu đồng/năm học đối với khối ngành Kỹ thuật. Ở khối ngành Kinh tế, mức học phí là 350 nghìn đồng/tín chỉ, tương đương 9-12 triệu đồng/năm học, tùy vào số tín chỉ mà sinh viên đăng ký.

Ông Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho hay, nhà trường đang giữ mức học phí ổn định so với học kỳ 1 vì Hội đồng trường phê duyệt học phí theo năm. Từ năm học tới, nhà trường sẽ điều chỉnh học phí ở mức vừa phải theo lộ trình của Nghị định 97 nhưng sẽ cân nhắc không tăng kịch.

Ông Thành cho biết, nhà trường đã truyền thông tới sinh viên về mức tăng học phí nhưng không nhiều, 13.1% và năm tới (2025) là 12.92%. Tuy nhiên trường chưa đưa ra quyết định chính thức. Hội đồng sẽ họp và cân nhắc vấn đề này vì đặc thù của trường hầu hết các sinh viên ở tỉnh xa, hoàn cảnh kinh tế không thuận lợi. Nhà trường cũng muốn chính sách học phí ở mức vừa phải để thu hút được người học và thuận lợi cho công tác tuyển sinh.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông tin, từ năm 2023 nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ. Với việc 3 năm liền không tăng học phí nguồn thu của trường có giảm nhưng vẫn cố gắng cân đối để duy trì các hoạt động. Nhà trường sẽ tăng học phí theo lộ trình của Chính phủ, tuy nhiên mức tăng rất ít. Trường Y có những quỹ học bổng có thể hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, việc tăng học phí sẽ không làm giảm sức hút của trường.

Chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn, xuất sắc

Nói thêm về chính sách ưu đãi cho sinh viên, GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho biết: Dù tăng học phí theo Nghị định 97 nhưng nhà trường có chính sách, quỹ học bổng có thể hỗ trợ hoàn toàn cho sinh viên học hết khóa học mà không phải đóng học phí, chưa kể nhận được nhiều học bổng của nhà tài trợ, nhà hảo tâm.

“Nếu thực sự có năng lực, có quyết tâm mà có hoàn cảnh khó khăn nhà trường có chính sách hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập, không để em nào giỏi mà không vào được trường Y” - ông Tú khẳng định.

Tương tự, ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho sinh viên. Theo ông Lê Xuân Thành, vì trường chưa tự chủ nên vẫn theo Nghị định 84 về học bổng. Ngoài ra, nhà trường có thêm quỹ khuyến học dành cho 30-50 em thuộc tốp xuất sắc với 5 triệu đồng/ học kỳ, 10 triệu đồng/ năm học. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với nhà trường như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam… về việc sẵn sàng hỗ trợ sinh viên 2-3 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo ông Thành, học sinh giỏi có điều kiện khó khăn thì mức hỗ trợ hoàn toàn ổn nhưng những em học lực bình thường có hoàn cảnh khó khăn thì bắt buộc phải làm thêm, hoặc tham gia các dự án, đề án cùng với nhà trường… để có chi phí trang trải học tập.

Tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM, theo PGS.TS Bùi Thế Vinh - Phó Hiệu trưởng, hàng năm có khoảng 20% sinh viên có nhu cầu tiếp cận nguồn vay hỗ trợ học phí. Trong 20% sinh viên có nhu cầu vay thì khoảng 70% sinh viên được duyệt hồ sơ vay vốn. Tuy nhiên, theo ông Vinh, 70% hồ sơ được duyệt này chỉ đáp ứng được 50-70% mức học phí, sinh viên vẫn phải xoay sở ở đâu đó phần còn lại bù đắp. “Cần điều chỉnh cơ chế chính sách vay vốn sinh viên và đa dạng hóa nguồn lực vay vốn để hỗ trợ được nhiều sinh viên trong bối cảnh tự chủ và tăng học phí hiện nay” - ông Vinh nói thêm.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, tín dụng hiện nay phụ thuộc vào các điều kiện ngân sách cũng như chính sách nhà nước trong việc hỗ trợ cho sinh viên còn mức độ đáp ứng tùy thuộc từng sinh viên.

“Sinh viên khó khăn đã được miễn giảm học phí chỉ thêm chi phí sinh hoạt. Còn riêng học phí, nếu mức học phí tăng thì các chính sách hỗ trợ tín dụng cũng nên tăng để phù hợp. Mức độ cho vay thấp hơn học phí thì các em sẽ vất vả, khó khăn hơn” - ông Chương nói, và góp ý thêm rằng, học phí tăng thì tín dụng sinh viên cũng cần điều chỉnh phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học phí các trường đại học hiện nay ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO