Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa khoảng từ 2,4 triệu đến 6,125 triệu đồng/tháng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước. Trong đó, đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng học phí chậm lại một năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81.
Học phí đại học cao nhất hơn 6 triệu đồng/tháng
Đối với giáo dục đại học, trường công lập chưa tự chủ, học phí áp dụng cho năm 2023-2024 (từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024) cao nhất là nhóm ngành y dược (y khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền) là 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên. Các ngành sức khỏe khác là 1,85 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Các khối ngành học còn lại dao động từ 1,2 triệu đồng đến 1,45 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Theo Bộ GDĐT, học phí các năm đại học đến năm 2027 cao nhất là 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên ở các trường đại học công lập chưa tự chủ.
Như vậy, theo đề xuất của Bộ GDĐT đưa ra, học phí đại học tăng 220 nghìn đến 1,02 triệu đồng (tăng từ 22,45% đến 71,33%). Mức thu hiện nay là từ 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng. Mức này thấp hơn quy định tại Nghị định 81 (từ 1,35 triệu đến 2,76 triệu đồng/tháng).
Trong khi đó, mức thu của các cơ sở phổ thông công lập tự chủ mức độ 1 và 2 vẫn theo Nghị định 81. Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng từ 2 đến 2,5 lần mức trên, tương đương khoảng từ 2,4 triệu đến 6,125 triệu đồng/tháng.
Mức trần học phí phổ thông gần 2 triệu đồng/tháng
Theo tờ trình, mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 dự kiến thu với học sinh mầm non, học sinh tiểu học khu vực thành thị từ 100.000 đồng đến 540.000 đồng/tháng/học sinh.
Vùng nông thôn, mức đóng từ 50.000 đồng đến 220.000 đồng/tháng/học sinh. Vùng dân tộc thiểu số, miền núi có mức thu từ 30.000 đồng đến 110.000 đồng/tháng/học sinh.
Học sinh THCS lần lượt theo 3 khu vực như sau: từ 100.000 đồng đến 650.000 đồng/tháng/học sinh; từ 50.000 đồng đến 270.000 đồng/tháng/học sinh; từ 30.000 đồng đến 170.000 đồng/tháng/học sinh.
Học sinh THPT học phí lần lượt từ 110.000 đồng đến 650.000 đồng/tháng/học sinh; từ 70.000 đồng đến 330.000 đồng/tháng/học sinh; từ 30.000 đồng đến 220.000 đồng/tháng/học sinh.
Cũng giống như giáo dục đại học, học phí của các trường tự đảm bảo chi thường xuyên được thu không quá 2 lần so với mức trên (cao nhất 1,3 triệu đồng/tháng). Các trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư không quá 2,5 lần (cao nhất là 1,95 triệu đồng/tháng).
Đối với cơ sở đào tạo đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư và đạt mức kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GDĐT thì được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục đó ban hành.
Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học phí dao động từ 1,248 triệu đồng đến 2,184 triệu đồng/tháng.
Trong tờ trình, Bộ GDĐT giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục.
Sau khi Bộ GDĐT đề xuất, Chính phủ sẽ là cơ quan quyết định phương án cuối cùng.