Một trong những yếu tố thí sinh và gia đình cần lưu ý khi đăng ký nguyện vọng vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm nay là yếu tố học phí. Nhiều trường tăng tới 50-70% so với năm trước.
Tăng vì tự chủ
Từ năm học 2022-2023, học phí các trường ĐH tự chủ sẽ đồng loạt tăng mạnh dựa vào Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Trước đó, năm 2021, Bộ GDĐT có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo giữ học phí ổn định năm học 2021-2022 như mức học phí năm học trước. Vì vậy, người học đã có một năm bình yên với học phí.
Trường ĐH Luật TPHCM vừa thông báo mức thu học phí của năm học 2022-2023 đối với sinh viên khóa mới năm 2022. Cụ thể, hệ đại trà 6 ngành có mức học phí từ hơn 31 triệu đồng đến 39 triệu đồng/năm, tăng 13 triệu đồng/năm so với năm 2021. Hệ chất lượng cao 3 ngành có mức học phí từ hơn 62 triệu đồng đến hơn 74 triệu đồng/năm, tăng 17 triệu đồng. Hệ chất lượng cao ngành Luật, giảng dạy bằng tiếng Anh có mức học phí lên tới 165 triệu đồng/năm. Mức học phí này áp dụng cho năm học 2022-2023, những năm học tiếp theo sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình, khoảng 9%.
Theo đại diện nhà trường, mức học phí này được xây dựng căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, đồng thời nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện mục tiêu nhanh chóng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận nền giáo dục ĐH của các nước phát triển trong khu vực.
Tương tự, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM có mức học phí từ 16-24 triệu đồng/năm đối với chương trình đại trà, tùy ngành; các ngành đào tạo hệ chất lượng cao có học phí khoảng 60 triệu đồng/năm. Mức học phí này sẽ điều chỉnh hàng năm nhưng không quá 15%. Đại diện nhà trường cho biết từ năm học 2022-2023, trường bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ nên mức học phí của trường cũng tăng theo.
Ở khối ngành sức khỏe, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tăng từ 12-13 triệu đồng/năm tùy ngành, ở mức 43- 44 triệu đồng/năm. Học phí của Trường ĐH Y dược TPHCM có sự tăng, giảm tùy theo ngành so với năm học trước. Trong đó, ngành Răng - hàm - mặt, Y tế công cộng, Dinh dưỡng tăng 7 triệu đồng, Y khoa tăng 6,8 triệu đồng/năm. Một số ngành lại có học phí giảm mạnh so với năm học trước, như Kỹ thuật phục hình răng giảm 18 triệu đồng, từ 55 triệu đồng xuống còn 37 triệu đồng/năm. Nhiều ngành tại Trường ĐH Y Hà Nội có học phí tăng mạnh từ 14,3 triệu đồng của năm học trước lên 24,5 triệu đồng/năm, tăng 71,3%.
Thí sinh “cần liệu cơm gắp mắm”
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, việc tăng học phí là một trong các giải pháp then chốt để tăng chất lượng đào tạo trong điều kiện nguồn ngân sách của nhà nước hạn chế. Không thể có ĐH chất lượng cao lại thu học phí thấp, đó là điều hiển nhiên. Nhưng vấn đề băn khoăn là khi tăng học phí, chất lượng đào tạo thực tế có gia tăng tương ứng?
“Nhà trường cần cơ cấu lại việc đầu tư, tích lũy có được nhờ tăng học phí và minh bạch thông tin. Việc kiểm định cần có quy định để kiểm định đi vào thực chất hơn góp phần cải thiện chất lượng đào tạo bên trong nhà trường, tránh làm hình thức” - ông Vinh nhấn mạnh.
Còn theo GS. TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, các trường có động thái tăng học phí, nhằm bảo đảm bù đắp chi phí khi nhà nước không cấp bù ngân sách. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh người dân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nguồn thu nhập chưa hoàn toàn ổn định, các trường nếu có tăng chỉ điều chỉnh ở mức vừa phải. Qua đó, nhằm thể hiện trách nhiệm với xã hội, người học và cũng là có trách nhiệm cùng với Nhà nước trong kiềm chế lạm phát.
Về phía nhà trường, đại diện nhiều trường cho biết việc tăng bao nhiêu cũng tùy thuộc vào từng ngành. Như ĐH Quốc gia TPHCM thông tin, với những ngành có nhu cầu ít, trường xác định mức học phí thấp hơn những ngành có nhu cầu lớn. Phần thiếu hụt sẽ được ĐH Quốc gia TPHCM hỗ trợ 35% học phí để người học có thể theo học được.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị với Chính phủ, học phí năm 2022 của các ĐH chưa đảm bảo chi thường xuyên chỉ tăng tối đa 15% với năm ngoái. Với ĐH công lập tự chủ, tùy mức độ, học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần của trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Nếu có những chương trình đạt kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc do Bộ GDĐT quy định, các trường ĐH được tự xác định mức học phí dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật của mình.
Việc học phí tăng, phụ huynh thêm gánh nặng có thể khiến nhiều thí sinh phải từ bỏ ngành và trường ước mơ do không kham nổi chi phí. Nhằm hỗ trợ người học, nhiều trường cam kết trích nguồn thu để cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo.
Tuy nhiên, để được cấp học bổng hoặc tiếp cận với các gói hỗ trợ từ nhà trường, doanh nghiệp hoặc nhà nước, sinh viên vẫn cần đáp ứng các điều kiện đặt ra. Vì vậy, để chủ động về tài chính, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của nhà trường, trong đó có mức thu học phí năm nay và lộ trình tăng học phí các năm tiếp theo để chọn trường phù hợp với sở thích, năng lực và khả năng tài chính bền vững của gia đình.