Trong quá trình thực hiện tự chủ về tài chính, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) TP Hồ Chí Minh xây dựng mức học phí theo nguyên tắc tính đúng chi phí đào tạo. Trong đó, mức học phí năm học 2022-2023 sẽ tăng mạnh so với hiện tại.
Hội đồng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học của Trường Đại học KHXH&NV.
Trên cơ sở Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung năm 2018, Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học ở ba nội dung gồm: Tự chủ về bộ máy và nhân sự, cơ sở vật chất và tài chính, mức học phí.
Khi thực hiện tự chủ về tài chính, nhà trường xây dựng mức học phí theo nguyên tắc tính đúng chi phí đào tạo. Trong đó, mức học phí năm học 2022-2023 sẽ tăng mạnh so với hiện tại. Cụ thể, nhóm ngành Khoa học Xã hội thu 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm học; nhóm ngành Ngôn ngữ và Du lịch thu 21-24 triệu đồng/năm.
Được biết, mức học phí được nhà trường cập nhật đến tháng 1/2021 bình quân chỉ 9-10 triệu đồng/năm đối với bậc đào tạo cử nhân hệ chuẩn. Như vậy, khi trường bắt đầu thực hiện đề án tự chủ thì nhiều ngành hệ đại học chính quy sẽ có học phí tăng gấp đôi.
Mức học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế): gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ đại học, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.
Học phí của các hệ đào tạo khác cũng thay đổi, trong đó văn bằng 2 chính quy, văn bằng một vừa làm vừa học... sẽ thu không vượt quá 1,5 lần. Bậc thạc sĩ không vượt quá 1,5 lần mức trần học phí chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học theo từng nhóm ngành, bậc tiến sĩ không vượt quá 2,5 lần.
Cũng trong nội dung được tự chủ về nhân sự, nhà trường thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị thuộc trường, cũng như bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi các chức danh quản lý do trường quản lý.
Bên cạnh đó, nhà trường sẽ quyết định các chế độ, chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng đối với viên chức và người lao động; quyết định về chính sách thu nhập của người lao động trong trường; tuyển dụng, ký kết, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong và ngoài nước; bổ nhiệm, sử dụng người lao động quá độ tuổi lao động (theo quy định Nhà nước) để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý theo nhu cầu của nhà trường.
Cũng theo đề án, trường sẽ tự chủ về cơ sở vật chất được khai thác các cơ sở vật chất đã đầu tư để liên kết đào tạo, làm các dịch vụ khoa học, liên doanh, liên kết trong các hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của trường.
Trường Đại học KHXH&NV là trường thứ 5 trong hệ thống Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện tự chủ sau các Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật và Trường Đại học Công nghệ thông tin.