Giáo dục

Học sinh học nghề tăng

Vi Cầm 23/12/2023 07:44

Theo Bộ GDĐT, trong vài năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tăng so với giai đoạn 2011-2015.

anh-bai-phu.jpg
Học sinh lớp 9 tham quan, trải nghiệm hướng nghiệp tại trường nghề. Ảnh: Khánh Chi.

Xu hướng học nghề

Cụ thể, thống kê cho thấy tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học GDNN tăng từ 8% trong giai đoạn 2011-2015 lên 15% trong giai đoạn hiện nay. Bộ GDĐT nhận định, việc lựa chọn học nghề phổ thông của học sinh trên cả nước chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu tự thân của học sinh, đáp ứng phần nào nhu cầu của thị trường lao động. Những nghề phổ thông gắn với phát triển kỹ năng sống ngày càng được nhiều học sinh lựa chọn là tin học, làm vườn, điện dân dụng, nấu ăn, chăn nuôi...

Thống kê kết quả tuyển sinh đào tạo nghề của Sở LĐTB&XH Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố tuyển sinh được 105.340 học viên, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở đào tạo nghề đã tuyển được hơn 150.000 học viên, đạt hơn 50% kế hoạch. Tính đến hết tháng 7/2023, số học viên học nghề trên địa bàn là hơn 370.000 người, vượt gần 2% so với chỉ tiêu đề ra. Trình độ cao đẳng chiếm nhiều nhất với hơn 177.000 người; trung cấp hơn 126.000, còn lại là trình độ sơ cấp, hơn 33.800 người.

Theo Tổng cục GDNN - Bộ LĐTB&XH, năm 2022 các trường nghề tuyển được gần 2,45 triệu học viên, tăng 500.000 người so với năm 2021 và cao nhất trong 5 năm qua. Năm 2023, Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu tuyển sinh 2,68 triệu người học nghề, tăng 10% so với 2022.

Như vậy, thống kê ở cả hai khối trường cao đẳng trực thuộc Bộ GDĐT và Bộ LĐTB&XH, lượng học viên theo học nghề và chỉ tiêu tuyển sinh nghề của các trường đều tăng so với giai đoạn trước đó.

Chưa đạt chỉ tiêu

Theo báo cáo tháng 7/2023 của Bộ GDĐT, trên toàn quốc, học sinh vào học THPT chiếm khoảng 74%, còn lại 26% học sinh được phân luồng (sau bậc THCS). Trong khi đó, mục tiêu được đặt ra trước đó là đến năm 2020 ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; Năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN; địa phương đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Theo ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực - Bộ GDĐT, công tác hướng nghiệp học sinh trong trường phổ thông thời gian qua còn tồn tại các bất cập, hạn chế. Học sinh học xong THPT chủ yếu mong muốn học đại học. Theo ông Linh, giáo dục hướng nghiệp cần phải xuyên suốt, không chỉ bắt đầu ở cuối cấp THCS hay kết thúc khi học sinh lựa chọn được khối thi và ngành thi. Hướng nghiệp ở trường đại học cũng rất quan trọng. Nếu mục tiêu nghề nghiệp không rõ ràng, sinh viên không có động lực học tập, rèn luyện hoặc sau khi tốt nghiệp có thể dễ nhận việc nhưng khi gặp khó khăn hoặc những điều không phù hợp cũng dễ bỏ việc, nhảy việc. Hậu quả là gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN - Bộ LĐTB&XH, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN, chính sách tín dụng, đầu tư đối với cơ sở GDNN và chính sách ưu đãi vay vốn tạo việc làm và khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên.

Theo báo cáo tháng 7/2023 của Bộ GDĐT, trên toàn quốc, học sinh vào học THPT chiếm khoảng 74%, còn lại 26% học sinh được phân luồng (sau bậc THCS). Trong khi đó, mục tiêu được đặt ra trước đó là đến năm 2020 ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh học nghề tăng