Tuần vừa qua, Thủ đô Hà Nội trải qua đợt rét đậm rét hại, với nhiệt độ có lúc chỉ khoảng 9 độ C. Trước tình hình đó, nhiều trường học đã cho học sinh mầm non và tiểu học được ở nhà. Tuy nhiên, các con được nghỉ nhưng bố mẹ thì không nên chuyện gửi con cho ai lại khiến các phụ huynh phải “đau đầu”.
Theo quy định từ Sở GDĐT Hà Nội, trẻ mầm non, học sinh tiểu học được nghỉ khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C. Nếu không cho nghỉ, các trường chủ động điều chỉnh giờ vào lớp, giải quyết linh hoạt những trường hợp đi muộn.
Ngay những ngày đầu tuần, miền Bắc bước vào đợt rét nhất của mùa đông năm nay, khi không khí lạnh lấn sâu vào đất liền và chi phối toàn bộ thời tiết. Nhiệt độ thấp nhất tại Thủ đô Hà Nội ngày 23/1 là 9,9 độ C, ngày 24/1 là 9,2 độ C, ngày 25/1 là 9,9 độ C... Cả ba ngày liên tiếp thời tiết dưới 10 độ C nên nhiều học sinh được nghỉ học liên tiếp 3 ngày.
Do bị động trước thời tiết, không ít phụ huynh đã phải rất vất vả trong việc trông con, tìm chỗ gửi con. Một phụ huynh ở Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cho biết, con chị học lớp mầm non 5 tuổi tại Trường mầm non Vĩnh Tuy. Tuần vừa rồi, con phải nghỉ học 3 ngày do thời tiết xuống dưới 10 độ C. Ngày đầu tiên nghỉ học, con phải đi làm cùng với bố vì không có ai trông. Hai ngày nghỉ sau, gia đình cũng phải mang con sang nhà người quen gửi vì cả bố và mẹ đều bận.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lê, có con học tại một trường tiểu học trên quận Hai Bà Trưng cho hay: Gia đình tôi có một bạn học lớp 1 và một bạn học lớp 4. Ngày đầu tiên con nghỉ học, tôi phải xin nghỉ làm để ở nhà trông vì không biết gửi ở đâu. Hai ngày sau thì may quá nhà trường lại linh hoạt cho các con đến lớp. Nếu tiếp tục nghỉ tôi cũng chưa biết làm thế nào...
"Việc đầu tiên vào sáng thức dậy là phải xem thông tin về thời tiết. Chờ tin nhắn của cô giáo gửi để biết chính xác là nghỉ hay không. Cả hai vợ chồng đều làm văn phòng và cơ quan nhà nước nên con nghỉ là chúng tôi rất hoang mang. Có hôm, tôi phải để chị lớn (lớp 4) ở nhà trông em nhỏ lớp mầm non 5 tuổi. Thỉnh thoảng nhờ bác hàng xóm qua nhìn hộ một chút” - chị Nguyễn Thị Bình (Chung cư Gelexia, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) cho hay.
Đều đặn từ đầu tuần, hơn 6h sáng, cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2, Trường Tiểu học Yên Sở (Hà Nội) lại gửi tin nhắn thông báo đến các phụ huynh về tình hình thời tiết và việc học.
Cô Hoa cho hay: Theo công văn triển khai của Sở GDĐT Hà Nội về công tác phòng chống rét và dịch bệnh mùa Đông Xuân, nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C thì cân nhắc cho học sinh tiểu học được ở nhà, không phải đến trường. Hiện tại, Trường Tiểu học Yên Sở đang trong giai đoạn sửa chữa, các học sinh của lớp 2A2 phải học nhờ ở Trường Tiểu học Hoàng Mai. Phòng học hiện tại ấm áp vì có cửa kính kín gió, rèm cửa, chăn ấm, điều hòa đầy đủ… Tuy nhiên, những ngày vừa qua thời tiết khắc nghiệt, cho học sinh nghỉ ở nhà sẽ đảm bảo sức khỏe hơn.
Cô Hoa cho biết, ngoài thông báo cho phụ huynh qua tin nhắn về việc nghỉ học, các giáo viên chủ nhiệm cũng vẫn đến trường để quản lý học sinh không nắm được thông tin. Đồng thời nhắc nhở phụ huynh khi cho con đến trường trong những ngày rét phải mặc ấm, uống nước ấm (không phải mặc đồng phục)...
Nhà trường cũng linh hoạt cho học sinh tham gia học qua Zoom vào buổi tối với thời gian ngắn để đảm bảo kiến thức chung cho học sinh trong thời gian nghỉ học.
Tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), những ngày rét dưới 10 độ C nhà trường cũng phát thông báo nghỉ tới tất cả phụ huynh học sinh. Nếu không có người trông con, phụ huynh có thể đưa con tới trường. Trường vẫn nhận quản lý, hướng dẫn học sinh học tập từ 8h30 tới 16h.
Được biết, tại Trường mầm non Tựu Liệt (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì), ngày 23 và 24/1 thông báo cho học sinh nghỉ học do thời tiết dưới 10 độ C. Đến chiều 24/1, trường tiếp tục thông báo dự kiến đợt lạnh sẽ kéo dài đến hết tuần, nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ, học sinh mầm non tiếp tục được nghỉ học. Tuy nhiên, lần thông báo này khác trước là sáng 25/1 nhà trường tạo điều kiện nhận học sinh đến trường và phụ huynh đăng ký với giáo viên của lớp để chuẩn bị các suất ăn...
Chia sẻ về lý do học sinh nghỉ học căn cứ vào dự báo thời tiết lúc 6h sáng, đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở đánh giá bản tin dự báo thời tiết lúc 6h từ cơ quan chuyên môn có tính chính thống, là căn cứ xác đáng để quyết định.
Hơn nữa, công tác phòng, chống rét đã được thực hiện từ đầu mùa đông. Trước mỗi đợt lạnh sâu, các trường được yêu cầu lên kế hoạch ứng phó, như cho học sinh nghỉ học, học trực tuyến hoặc trang bị thêm cơ sở vật chất để đón học sinh trong những ngày này. Phụ huynh cũng thường xuyên được nhắc nhở, khuyến cáo theo dõi tình hình thời tiết để giữ ấm cho con.
Sở GDĐT Hà Nội cho rằng đây là phương án linh hoạt, trao quyền chủ động cho các trường dựa trên điều kiện thực tế. "Với những trường cho học sinh nghỉ vẫn mở cửa đón học sinh nếu gia đình không có người trông. Do đó, bản chất của quy định này không phải cứ 6h sáng mới rối lên tìm cách làm mà đã có sự chuẩn bị rồi", đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết.
Thực tế, như đã nêu ở trên, công tác đảm bảo dạy và học song song với phòng chống rét cũng đã được nhiều trường thực hiện tốt. Tại lớp 2A2, Trường Tiểu học Yên Sở, ngay trong buổi Sơ kết học kỳ I (trước khi bước vào đợt rét đậm), giáo viên chủ nhiệm đã thông báo cho phụ huynh về tình hình cơ sở vật chất lớp học của học sinh trong năm, đến chủ động trong công tác dạy học và chăm sóc sức khỏe học sinh.
Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên dặn học sinh hạn chế ra ngoài giờ ra chơi và trao đổi với phụ huynh cho con mặc ấm đi đến trường sáng sớm và đón về nhà chiều tối. Nếu sức khỏe của con không đảm bảo có thể cho con nghỉ ở nhà…
Cô Nguyễn Thị Huyền Trang, quản lý Trường mầm non Olympia (quận Hoàng Mai) cũng cho hay: Bước vào đợt lạnh, nhà trường thường xuyên kiểm tra cửa phòng học, đảm bảo các lớp học kín gió, đủ thảm ấm, chăn ấm, nước ấm cho các học sinh. Thực đơn bữa ăn của trẻ cũng được tăng cường các loại rau xanh nhiều vitamin, đảm bảo cho trẻ ăn nóng, ngủ ấm, vệ sinh, lau mặt, rửa tay bằng nước ấm. Đồng thời tăng cường dạy kỹ năng phòng chống rét cho trẻ và tạm dừng các hoạt động ngoài trời...
Nếu các trường đều trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, cộng với sự quan tâm chu đáo của cả giáo viên và phụ huynh... thì việc đảm bảo không gian ấm áp cho học sinh mỗi khi mùa đông đến sẽ không còn là nỗi băn khoăn nữa.