Trang phục là di sản văn hóa truyền thống độc đáo dễ nhận biết của từng dân tộc.
Để gìn giữ và lan tỏa nét đẹp của các dân tộc trên địa bàn tới nhiều hơn với giới trẻ, các trường phổ thông dân tộc nội trú - cái nôi nuôi dưỡng con em dân tộc thiểu số của từng địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể.
Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình là trường có 100% con em đồng bào dân tộc Mường sinh hoạt và học tập nội trú. Cùng với dạy học văn hóa, chăm sóc đời sống vật chất cho học sinh, nhà trường còn luôn cố gắng giúp các em giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Vào ngày thứ hai đầu tuần và những ngày kỷ niệm của ngành giáo dục, ngày lễ lớn của đất nước, nhà trường luôn khuyến khích và quy định học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Đặc biệt là vào các buổi sáng thứ Hai chào cờ đầu tuần, theo quy định, tất cả học sinh đều phải mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường. Đây là quy định bắt buộc và cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá công tác thi đua giữa các lớp.
Bên cạnh đó, ngoài tổ chức tập thể dục buổi sáng, giữa giờ, nhà trường còn tổ chức tập luyện, thi đấu các câu lạc bộ khiêu vũ, võ thuật, các môn thể thao, các trò chơi dân tộc, các hoạt động văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và nhiều hoạt động thu hút học sinh tham gia như: Dạ hội, giao lưu văn hóa, tham quan du lịch và học tập, trải nghiệm sáng tạo, qua đó giáo dục cho các em kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc tập thể, giao lưu học hỏi về kiến thức và các kỹ năng trong cuộc sống…
Còn tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hòa Bình, hiện có trên 600 học sinh là con em của các dân tộc như Mường, Thái, Mông, Dao, Tày... Từ những bản làng xa xôi, khi về trường học tập, các em đã mang theo cả những nét văn hóa riêng của dân tộc mình, trong đó có những bộ trang phục truyền thống độc đáo. Với mong muốn giữ gìn, phát huy những giá trị này, trường đã vận động mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh là người dân tộc thiểu số có ít nhất 1 bộ trang phục truyền thống mặc ngày thứ hai, các dịp lễ, tết. Ban Giám hiệu nhà trường cũng phối hợp vận động ủng hộ trang phục dân tộc cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường, đảm bảo tất cả học sinh là người dân tộc thiểu số đều có trang phục dân tộc đến trường. Nhà trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa với chủ đề “Học sinh với trang phục dân tộc” để các em có cơ hội giới thiệu trang phục truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, từ đó khơi dậy niềm tự hào, lưu giữ văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc.
Được biết, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh mặc trang phục dân tộc là một điểm nhấn trong việc giữ gìn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Cùng với Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hòa Bình, nhiều trường tiểu học, Trung học cơ sở, trung học phổ thông của tỉnh, nhất là các trường dân tộc nội trú cũng đã đưa nội dung mặc trang phục truyền thống vào trường học. Các nhà trường thường vận động, khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc ít nhất 1 buổi/tuần và vào các ngày lễ truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị, vẻ đẹp của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số.
Tương tự, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội cũng có nhiều cách để lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc tới các học sinh. Trong đó, việc gìn giữ và bảo tồn trang phục truyền thống được nhà trường đặc biệt coi trọng. Với đa số là học sinh dân tộc Mường, Dao, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội cũng yêu cầu các học sinh mặc trang phục dân tộc mỗi sáng thứ hai hàng tuần và các dịp đặc biệt. Ngoài ra, thông qua các cuộc thi, các hoạt động tập thể cũng thường xuyên tuyên truyền, nhấn mạnh về nét đẹp của các bộ trang phục dân tộc truyền thống để học sinh yêu hơn văn hóa dân tộc mình.
Em Trịnh Phương Linh, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông Hà Nội chia sẻ, bộ trang phục dân tộc Mường luôn được em nâng niu, gìn giữ. Em rất tự hào khi mặc trang phục này trong những ngày hội lớn của trường, hoặc tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ với các trường bạn, bởi ở đó bạn nào cũng mặc trang phục truyền thống và kể cho nhau nghe ý nghĩa trang phục của dân tộc mình.
Với cách làm của các trường nội trú, đến nay, việc sử dụng trang phục truyền thống đã dần trở thành thói quen, lan tỏa sâu rộng trong những người trẻ. Trong các ngày lễ, tết, ngày hội..., sắc màu trang phục truyền thống của các dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều ở các trường học. Qua đó, vừa góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa kết tinh trong trang phục truyền thống của các dân tộc, vừa góp phần quảng bá nét đẹp, nét văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc.
Có thể nói, bằng việc giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp với việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, từng hoạt động, các trường học hiện nay đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.