Việc học sinh THCS, THPT học 2 buổi/ngày khiến nhiều ý kiến lo ngại sẽ chồng chéo với quy định mới về dạy thêm, học thêm, dễ gây biến tướng việc dạy thêm trong nhà trường.
Chưa phải chủ trương bắt buộc
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng tới việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh bậc THCS, THPT được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua.
Trước thông tin này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GDĐT) Thái Văn Tài khẳng định, việc dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS và THPT là khuyến khích, chưa bắt buộc.
Theo ông Tài, việc tổ chức dạy học buổi 2 ở trường THCS, THPT không phải để dạy thêm. Việc "hướng đến" được hiểu theo nghĩa, nơi nào đủ điều kiện thì phải khai thác hiệu quả, hết công năng cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư. Trường nào đủ cơ sở vật chất thì mở cửa cả ngày để học sinh đến tự học, tránh việc trường đóng cửa buổi chiều, còn học sinh thì phải chạy đôn đáo tìm nơi để học bổ sung.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, việc học 2 buổi/ngày không phải là hoạt động mới trong giáo dục. Ở lứa tuổi Tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày từ rất lâu.
Từ năm 2010, Bộ GDĐT đã có văn bản hướng dẫn tổ chức 2 buổi/ngày cho học sinh THPT và THCS, theo hướng nơi nào có điều kiện thì khuyến khích. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cũng nêu rõ, tiểu học dạy học 2 buổi/ngày. Còn với THCS, THPT nơi nào có đủ điều kiện thì khuyến khích học 2 buổi/ngày.
Mục tiêu dạy 2 buổi/ngày trước hết là để bảo đảm tổ chức chương trình giáo dục phổ thông. Thứ hai, giảm áp lực cho học sinh, tổ chức quy củ bài bản việc dạy học cũng như các hoạt động giáo dục khác, hình thành cho học sinh phẩm chất, năng lực và các kỹ năng phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ... Cho tới thời điểm này số trường, số lớp dạy 2 buổi/ngày tăng lên nhiều so với 10 năm trước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nêu một số bất cập trong tổ chức thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Ví dụ, buổi 2 có nơi dạy văn hóa là chính, chủ yếu là kiến thức chưa phải kỹ năng, các nội dung khác nên tạo áp lực cho học sinh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, cho đến thời điểm này, Bộ GDĐT chưa có chủ trương bắt buộc. Việc tổ chức buổi học thứ 2 phải trên tinh thần tự nguyện, và dựa vào điều kiện cụ thể của từng nơi.
“Hợp thức hóa” dạy thêm trong nhà trường?
Mặc dù lãnh đạo Bộ GDĐT đã lý giải việc học sinh THCS, THPT học 2 buổi/ngày là chủ trương không bắt buộc nhưng nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ lo ngại về gánh nặng học phí và thời gian.
Chị Nguyễn Thu Phương, phụ huynh có con đang học lớp 8 trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) lo ngại con sẽ không còn thời gian tự học, nghỉ ngơi, học các kỹ năng ngoài nhà trường, nhất là năm sau con bước vào năm học cuối cấp. Nếu việc học 2 buổi/ngày không được quản lý chặt, thì các trường sẽ lại tiếp diễn dạy thêm núp bóng lớp bồi dưỡng kỹ năng. Đây là một thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi.
Tương tự, chị Lưu Ngọc Anh, phụ huynh có con học lớp 10 tại Hà Nội cho hay, sau khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, chị và con thở phào khi không phải học bồi dưỡng tại trường bởi hiệu quả không như mong muốn, lại vừa tốn học phí và thời gian. Hiện con chị đang học thêm tại một trung tâm.
“Việc học 2 buổi/ngày chẳng khác gì học thêm như trước đây. Việc này rất dễ biến tướng, hợp thức hóa việc dạy thêm trong nhà trường”, chị Ngọc Anh nêu quan điểm.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia giáo dục - TS Vũ Thu Hương bày tỏ quan điểm không đồng tình với Bộ GDĐT khi hướng tới việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh bậc THCS, THPT.
Theo TS Vũ Thu Hương, hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều trường đều chưa đầy đủ để tổ chức 2 buổi/ngày, bán trú cho học sinh, ngay cả ở bậc Tiểu học. Các trường chưa có đủ phòng ngủ riêng cho học sinh nam, học sinh nữ. Học sinh phải ăn ngay tại lớp, ngủ trưa trên ghế, bàn, thiếu an toàn và tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị xâm hại nhất là ở lứa tuổi THCS, THPT.
Giáo dục một đứa trẻ cần phải có kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Có thể thấy, học sinh học kiến thức ở trường nhưng vẫn nặng lý thuyết mà không được áp dụng nhiều vào thực tế. Trong khi đó, giáo dục kỹ năng sống trong chương trình học còn thiếu. Chính vì học nặng lý thuyết nên học sinh quên rất nhanh, khó vận dụng kiến thức, kỹ năng vào cuộc sống.
TS Vũ Thu Hương cho rằng, việc học sinh THCS, THPT học 2 buổi/ngày rất dễ “biến” học thêm trở thành hợp pháp trong nhà trường. Như vậy, sẽ chồng chéo với quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29.
Trong khi theo thông tư này, các nhà trường không được thu tiền khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với những học sinh diện phụ đạo, củng cố và ôn tập kiến thức. Vậy thì việc dạy gì cho học sinh ở buổi thứ 2 và thu học phí như thế nào là câu hỏi đặt ra.
Mặt khác, TS Vũ Thu Hương cho rằng: “Nếu học sinh THCS, THPT học 2 buổi/ngày sẽ thể hiện việc học của các em phụ thuộc vào thầy cô, nhà trường. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng tự học của học sinh bằng không, trái với tinh thần của Thông tư 29 là khuyến khích khả năng tự học của học sinh”.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, để tổ chức tốt hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, phải hội đủ 3 yếu tố: đủ cơ sở vật chất, đủ số lượng giáo viên, có chương trình dạy học và tổ chức đủ các hoạt động trong 2 buổi, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Bộ GDĐT đang rà soát lại toàn bộ mô hình dạy học 2 buổi/ngày và sẽ có hướng dẫn mới phù hợp hơn, đảm bảo chất lượng, giảm áp lực, phát triển toàn diện và sát với nhu cầu thực tế của học sinh, phụ huynh.