Tối 31/12, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ công bố gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Đến dự lễ công bố có ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cùng đại diện UNESCO, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, trong hơn hai thập kỷ qua, kể từ khi Khu đô thị cổ Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới, Hội An luôn đặt văn hóa làm trung tâm của quá trình xây dựng và phát triển của mình, coi văn hóa là yếu tố then chốt hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, TP Hội An cũng hết sức chú trọng bảo tồn các làng nghề truyền thống như làng gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế;… và nhiều ngành nghề thủ công khác. Một số nghề được hình thành từ khai thác giá trị văn hóa và thích ứng nhanh với thời đại như nghề làm lồng đèn, nghề may đo nhanh, chế tác sản phẩm nghệ thuật từ gốc tre… đã tạo ra giá trị độc đáo và riêng có của nghề thủ công ở Hội An, góp phần giải quyết việc làm và tạo ra thu nhập cao cho người lao động.
“Với những định hướng đúng đắn và sự nỗ lực không ngừng nghỉ trên chặng đường phát triển của mình, Hội An đã từng bước trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc, một điểm đến ưa thích của du khách trong nước và thế giới. Nhiều năm liền, Hội An được các trang mạng uy tín bình chọn là điểm đến văn hóa hàng đầu, là một trong những thành phố du lịch hàng đầu của châu Á và thế giới”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, từ nền tảng quan trọng đó, trong năm 2022 và 2023, Hội An lại có vinh dự to lớn là được Bộ VHTTDL lựa chọn cùng với thành phố Đà Lạt để giới thiệu gia nhập vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, một mạng lưới bao gồm những thành phố tiên tiến, đi đầu trên lĩnh vực sáng tạo và phát triển bền vững.
Trên cơ sở xác định lợi thế của mình, Hội An đã mạnh dạn lựa chọn lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian để đăng ký gia nhập với mục tiêu vừa bảo tồn, phát huy thế mạnh vốn có của mình, vừa tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian của các thành phố bạn trên thế giới, để từ đó có thể tạo thêm nhiều giá trị mới nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Phạm Thị Thanh Hường, Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho hay, bên cạnh đặc điểm có một không hai về cảnh quan văn hóa và sinh thái, chính nguồn lực văn hóa truyền thống sống động thể hiện thông qua các nghề thủ công và nghệ thuật dân gian vẫn được trao truyền qua nhiều thế hệ, đã và đang góp vai trò quan trọng trong việc làm cho Hội An trở thành một điểm đến không thể nào quên với bất kỳ một người khách nào.
“Nhận diện rõ vị thế và sức mạnh riêng có đặc trưng của Hội An với định hướng một trong những thành phố năng động và bền vững của Việt Nam, Hội An đã liên tục tiến những bước vững chắc và đầy ý nghĩa trong hành trình bảo tồn, phát huy và tiếp tục làm giàu thêm nguồn lực văn hóa, di sản của thành phố. Hội An hôm nay đã trở thành một thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu. Danh hiệu này mang tới những cơ hội lớn và cả những cam kết trách nhiệm quan trọng của thành phố”, bà Phạm Thị Thanh Hường nói.