Chiều ngày 3/8, sau gần 2 năm trùng tu, di tích Chùa Cầu (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã được khánh thành và đưa vào hoạt động phục vụ người dân, du khách tới tham quan.
Trùng tu như một cuộc “giải phẫu - chữa bệnh”
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết, Di tích Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại. Mặc dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ cẩn thận nhưng dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và thời gian, di tích không tránh khỏi những hư hại.
Qua nhiều tư liệu cho biết, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần. Dù vậy, do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khác nên những lần tu bổ trước đây chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích. Vì vậy, vấn đề tu bổ Chùa Cầu tiếp tục được đặt ra và ngày càng cấp thiết.
Đến ngày 16/8/2016, Hội thảo quốc tế về trùng tu Chùa Cầu được tổ chức với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản. Ngày 28/12/2022, Chùa Cầu được khởi công trùng tu với tổng mức đầu tư phê duyệt 20,2 tỷ đồng từ nguồn vốn 50% ngân sách tỉnh và 50% ngân sách TP Hội An.
“Lần này Chùa Cầu được trùng tu trên tinh thần như một cuộc “giải phẫu - chữa bệnh” nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học, từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích. Với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể. Điều này được phản ánh một cách cụ thể, chân xác qua những số liệu thống kê: 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái,… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ”, ông Phạm Phú Ngọc chia sẻ.
Đảm bảo yếu tố gốc và tính vững bền
Thế nhưng sau khi trùng tu xong người dân và du khách cũng đưa ra các ý kiến trái chiều, người nói không cổ kính như xưa, người cho rằng rất đẹp.
Chẳng hạn như chị Lê Thị Lan Anh (Hà Nội) đến tham quan phố cổ Hội An bày tỏ bất ngờ: “Diện mạo của Chùa Cầu hiện nay tôi cảm thấy hơi lạ vì di tích Chùa Cầu trong tâm trí tôi luôn cổ kính, giờ trông có vẻ mới”.
Còn anh Lê Phước Thiện, một hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Tôi thường xuyên hướng dẫn khách vào Chùa Cầu tham quan, thế nhưng hình ảnh Chùa Cầu bây giờ nhìn có vẻ lạ lẫm hơn trước”.
Bên cạnh những ý kiến đã nêu, nói về Chùa Cầu hiện nay vẫn có những vị khách cảm thấy cuộc đại trùng tu Chùa Cầu lần này mang lại kết quả tốt. Như ông Nguyễn Song (60 tuổi), người dân phố cổ Hội An nhận định: “Khi thành phố đưa ra phương án trùng tu Chùa Cầu, không chỉ tôi mà người dân Hội An luôn quan tâm theo dõi xem việc tu bổ có làm dối, làm ẩu không, đảm bảo nguyên tắc trùng tu di tích không, có giúp Chùa Cầu đứng vững theo năm tháng không, chứ không phải màu sắc mới hay cũ và kết quả như hiện nay là rất tốt”.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, lãnh đạo thành phố đã lắng nghe, tiếp nhận nhiều ý kiến khác nhau từ phía người dân cũng như du khách sau quá trình trùng tu Chùa Cầu. Thế nhưng màu sắc của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm, giữ nguyên màu; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố cũng chỉ quét phủ chất bảo quản không màu.
“Không có công trình nào đại trùng tu mà không có sự thay đổi ít nhiều, quan trọng là yếu tố gốc phải giữ được và đảm bảo công trình có tính vững bền. Tức là, một mặt phải đảm bảo tính nguyên gốc của nó, tất cả những phần kiến trúc còn có thể sử dụng được như gỗ, sàn, lan can… nếu đảm bảo thì giữ lại. Mặt khác, những cấu kiện đã mục rỗng, hư hỏng nặng thì phải thay thế để đảm bảo tính vững chắc”, ông Sơn nói.
Những thành quả tốt đẹp
Tại buổi lễ khánh thành tu bổ Chùa Cầu, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: Đây là lần đầu tiên mà công trình tu bổ di tích được “giải phẫu mở”, thực hiện giữa lòng một đô thị di sản du lịch nhộn nhịp. Người dân, du khách được quan sát, tiếp cận và theo dõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình thực hiện tu bổ di tích Chùa Cầu.
“Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã đạt được những thành quả tốt đẹp như mong đợi, bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng sự mong mỏi của những ai yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này. Việc hoàn thành tu bổ di tích Chùa Cầu còn mang ý nghĩa to lớn trong dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản”, ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Tại đây, ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tôi tin tưởng rằng, sau khi được tu bổ, Chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An. Đây cũng là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh một Hội An năng động, giàu truyền thống và luôn hướng tới tương lai; đặc biệt là dịp để đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn về quy trình, kỹ thuật, giải pháp tu bổ nhằm phục vụ tham chiếu cho những công trình tu bổ di tích quan trọng sắp tới, không chỉ của tỉnh mà còn đối với các di sản ở trong và ngoài nước”.
Tại lễ khánh thành, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP Hội An cùng đại biểu đến từ Nhật Bản thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Chùa Cầu. Cũng tại dịp này, UBND TP Hội An khen thưởng cho 4 tập thể và 6 cá nhân có thành tích trong việc thực hiện triển khai tu bổ di tích Chùa Cầu.