Thể loại tản văn có vẻ lép vế trong các dòng sách, nhưng lại đang tạo nên không khí sôi động trong đời sống văn hóa đọc Việt Nam thời gian gần đây.
Những cuốn tản văn đang gây sự chú ý của độc giả
Ở các cửa hàng sách, phố sách nhìn đâu cũng thấy tản văn, tạp văn, tạp bút. Từ những cây viết đã thành danh như: Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Di Li, Cấn Vân Khánh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Trương Quý… đến những cây bút mới chập chững vào nghề như: Hamlet Trương, Anh Khang, Phan Ý Yên, Iris Cao… và cả nhạc sĩ Dương Thụ, họa sĩ Đỗ Phấn, nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu… cũng đầy hứng thú với tản văn, tạp bút. Thể loại này hấp dẫn được độc giả có lẽ vì sự dễ đọc, dễ cảm và gần gũi với đời sống. Xét ở góc độ nào đó, dòng chảy của tản văn những năm qua ít nhiều làm nên diện mạo mới của văn chương Việt đương đại. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Việt Hà tác giả của “Con giai phố cổ” không khỏi băn khoăn: “Ngày hôm nay, số người mua và đọc tạp văn thường đông hơn hẳn số người mua và đọc tiểu thuyết. Điều này chẳng hiểu nên lo hay nên mừng”.
Cùng với sự phát triển, nở rộ của thể loại tản văn, người ta vẫn nhận thấy, trong khi những cuốn tản văn ở phía Bắc thường đi vào các vấn đề mang tính suy tư mang tính xã hội, văn hóa, lịch sử, và nặng hoài niệm về những điều xưa cũ… thì những cây viết phía Nam tung tẩy hơn khi “chạm” vào đời sống thị dân, cũng như những trào lưu mới đang du nhập vào đất nước, kể cả những cung bậc xúc cảm yêu thương hay phân tích tâm lý tuổi mới lớn cũng dễ dàng được chấp nhận... Vì vậy, độc giả đọc tản văn hôm nay đơn thuần là sự giải trí, đọc rồi quên, chứ ít tìm được những suy ngẫm, trăn trở sau mỗi con chữ. Để rồi, người ta vẫn khôn nguôi nhớ về những trang viết đầy mỹ cảm của các bậc tiền bối như: Tản Đà, Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường... Hay sự phong phú, sâu lắng, đầy khắc khoải văn chương trong các trang viết của Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Băng Sơn…
Có thể thấy, việc “đổi gió” bằng tản văn đã làm xuất hiện thêm những tên tuổi mới, ấn tượng trong làng viết. Nhưng, nhà phê bình Nguyễn Thúy Hạnh (Hội Nhà văn TP.HCM) thẳng thắn: Viết là viết, viết vì mình vì người và vì bạn đọc. Nên dù viết thể loại gì đi chăng nữa thì vẫn đòi hỏi người viết phải có một cái đầu biết tư duy, một đôi chân biết chạy, một đôi tay biết vươn lên cao để với, một trái tim chân thành nhạy cảm và say mê với nghề. Viết tản văn cũng là viết văn và nó không là ngoại lệ nên cũng luôn đòi hỏi lắm công phu.
Tản văn có phải là đồ ăn nhanh của thời đại đọc nhanh hay không? Đây cũng là chủ đề của Tọa đàm “Tản văn có phải fast-food?” do Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội phối hợp với NXB Trẻ tổ chức chiều qua (1-7). Tại đây, các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Ngọc Tư… được NXB Trẻ in thành vệt - như một bức chân dung sinh động phản ánh xã hội. |