Hỏi - Đáp về bầu cử

ĐĐK 17/02/2016 09:26

Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội.

LTS: Chủ nhật, ngày 22/5/2016 sẽ là ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ngày 22/1/2016, UBTV Quốc hội cũng đã ra Nghị quyết 1135/2016/UBTVQH13 dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV là 500 người, trong đó đại biểu Quốc hội ở Trung ương là 198 đại biểu (chiếm 39,6%), địa phương 302 đại biểu (chiếm 60,4%). Trước đó, UBTV Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 1132/NQ-UBTVQH 13 ngày 16/1/2016 hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và Nghị quyết 1134/2016/UBTVQH13 ngày 18/1/2016 quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức Hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung…

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được cử tri, bạn đọc cả nước rất quan tâm. Để phục vụ cho công tác tuyên truyền, đồng thời trả lời các ý kiến, câu hỏi của bạn đọc, từ số báo này, Đại Đoàn Kết xin mở mục: Hỏi – Đáp về bầu cử. Mọi thư từ, phản ánh xin gửi về Báo Đại Đoàn Kết- 66 Bà Triệu- Hà Nội, điện thoại: 04.39433164 và email: toasoan@baodaidoanket.com.vn.

Hỏi: Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành như thế nào?

Trả lời: Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành như sau:

1. Hội nghị cử chủ tọa trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và thư ký hội nghị.

2. Đối với hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương, đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng người của tổ chức chính trị, UBTƯMTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

Đối với hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở địa phương, đại diện Thường trực HĐND cấp tỉnh trình bày dự kiến của UBTV Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của tổ chức chính trị, Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

3. Hội nghị thảo luận để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm số dư người ứng cử, tỉ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Trường hợp không thỏa thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Nếu hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì cử tổ kiểm phiếu từ ba đến năm người. Phiếu biểu quyết phải có dấu của UBMTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.

4. Hội nghị thông qua biên bản (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT).

5. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; ở cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỏi - Đáp về bầu cử