Hội đồng Bảo an LHQ cuối tuần qua đã thông qua một nghị quyết nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên vì liên tiếp thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và vi phạm các nghị quyết khác của LHQ. Với 15 phiếu thuận (tuyệt đối), Nghị quyết 2371 đã được thông qua.
Nghị quyết trừng phạt được thông qua với số phiếu tuyệt đối 15-0 (Nguồn: LaTimes).
Nghị quyết mới nhằm trừng phạt các mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên, bao gồm than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Các lệnh trừng phạt cũng nhằm vào các nguồn thu khác của nước này, như ngành ngân hàng và liên doanh với các công ty nước ngoài.
Theo một tuyên bố từ văn phòng Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, các lệnh trừng phạt mới có thể cắt giảm tới 1/3 tổng doanh thu xuất khẩu thường niên của Triều Tiên (khoảng 3 tỷ USD). Tuyên bố còn cho hay Nghị quyết trên là “các lệnh trừng phạt mạnh mẽ chưa từng có nhằm phản ứng lại một vụ thử tên lửa đạn đạo”.
Động thái trên của LHQ xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành bộ luật các biện pháp tăng cường trừng phạt đối với Triều Tiên trong hôm thứ Tư tuần trước. Về phần mình, Hãng tin nhà nước Rodong Sinmun của Triều Tiên đã đăng tải một bài viết hôm 6/8, cảnh báo rằng lựa chọn duy nhất của Mỹ sẽ là tự hủy hoại, trừ khi nước này từ bỏ “chính sách thù địch” với Bình Nhưỡng.
Trừng phạt và “danh sách đen”
Tổng thống Trump, đang có kỳ nghỉ tại New Jersey, đã viết trên Twitter để hoan nghênh động thái của Hội đồng Bảo an LHQ: “Hội đồng Bảo an vừa thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên với số phiếu 15-0. Trung Quốc và Nga cũng bỏ phiếu cùng chúng tôi. Một ảnh hưởng to lớn về tài chính!”.
2 vụ thử nghiệm ICBM mới đây mà Triều Tiên thực hiện đã làm dấy lên lời kêu gọi hành động từ nhiều thành viên của LHQ, trong khi Đại sứ Mỹ nói rằng nghị quyết này bao gồm “một trong những lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất từng được thông qua trong cả một thế hệ”.
Hội đồng Bảo an LHQ cũng đưa ra ước tính về ảnh hưởng kinh tế từ đòn trừng phạt này: 1 tỷ USD đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Triều Tiên từ hải sản cho tới than đá. Nghị quyết này đã yêu cầu ngăn chặn một trong số những cách mà chính quyền Bình Nhưỡng thu ngoại tệ.
Đại sứ Anh tại LHQ, Matthew Rycroft, nói rằng bằng việc thử nghiệm ICBM, Triều Tiên đang công khai sự bất chấp Hội đồng Bảo an của mình. Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại LHQ, Francoise Delattre, cũng hoan nghênh lệnh trừng phạt mới.
Nghị quyết trừng phạt cũng cấm các nước thuê thêm nhân công Triều Tiên, một động thái nhằm ngăn chặn nguồn thu ngoại tệ của chính quyền Bình Nhưỡng. Một nhà ngoại giao thuộc Hội đồng Bảo an cho hay các nhân công Triều Tiên ở một số nước còn đang chịu tình trạng bị lạm dụng.
Nghị quyết cũng liệt 9 cá nhân và thể chế kinh doanh - bao gồm 1 ngân hàng Triều Tiên - vào một “danh sách đen” của LHQ, áp dụng lệnh đóng băng tài khoản hoặc cấm di chuyển với tất cả.
Ngoài ra thì việc áp dụng lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn là điều không thể, bởi Trung Quốc cho rằng các lệnh trừng phạt quá nặng nề sẽ chỉ khiến tình hình thêm căng thẳng.
Trung Quốc cùng một số quốc gia khác cũng mong muốn thúc đẩy nỗ lực đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ. Tuy nhiên, Đại sứ Haley đã đưa ra điều kiện cho việc đó. “Chúng tôi rất mong muốn đối thoại với họ, nhưng họ cần phải ngừng các hành động khiêu khích trước”- bà Haley nói.
Nghị quyết này, cũng giống như nhiều nghị quyết trước kia, đã được Mỹ và Trung Quốc thảo luận trong nhiều tuần trước khi được thông qua. Đại sứ Haley cũng cảm ơn phía Trung Quốc đã hợp tác với họ trong vấn đề này.
Cảnh báo của chuyên gia
Giới chuyên gia về Triều Tiên đã đưa ra cảnh báo rằng ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mới này có thể vẫn còn hạn chế. Ông Seung-Kyun Ko, Giáo sư tại ĐH Hawaii Thái Bình Dương và từng là chuyên viên nghiên cứu tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, nói rằng chính quyền Bình Nhưỡng sẽ không hề hấn gì trước các biện pháp trừng phạt.
“Bởi vậy nếu như không có các cuộc đối thoại, tình trạng căng thẳng hiện nay sẽ vẫn tiếp diễn. Triều Tiên sẽ vẫn tìm cách tăng cường khả năng tên lửa và hạt nhân của họ”- ông Ko nói.
John Delury, thuộc ĐH Yonsei của Hàn Quốc, nói rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và Hội đồng Bảo an nhằm vào nền kinh tế của Triều Tiên và khó có thể khiến cho Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân được.
“Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng, họ sẽ không cắt giảm chi phí cho quân sự, mà đó là lựa chọn cuối cùng để cắt giảm. Họ vốn đã quen với các lệnh trừng phạt kinh tế” - ông Delury nói.