Gần 2.000 đại biểu là các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học đến từ các tổ chức y tế trong nước và quốc tế đã tham dự Hội nghị Khoa học toàn quốc về Truyền nhiễm và HIV/AIDS và Hội nghị lần thứ 8 khu vực Đông Nam Á về Y học nhiệt đới và Ký sinh trùng năm 2018 tại TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa
GS. TS Nguyễn Văn Kính phát biểu tại Hội nghị.
Từ ngày 26 đến 29/7, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (NHTD) phối hợp với Hội Truyền nhiễm Việt Nam (VSID), Hội Y khoa lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam (VCHAS), Hội Ký sinh trùng Việt Nam, Hội Y học nhiệt đới và Ký sinh trùng các nước Đông Nam Á, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford Vương quốc Anh tại Hà Nội (OUCRU), bộ Y tế và UBND tỉnh Khánh Hỏa đã tổ chức Hội nghị khoa học thường niên về bệnh truyền nhiễm HIV?AIDS và Hội nghị lần thứ 8 khu vực ASAN về bệnh nhiệt đới và ký sinh trùng.
Tham dự hội nghị có GS. TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội VSID và Hội VCHAS, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyến – Chủ tịch Tổng hội, GS TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Đắc Tài – Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và gần 2000 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm và HIV/AIDS trong và ngoài nước. Hội nghị này là cơ hội để các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực y học nhiệt đới chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mới cập nhật cũng như phát triển mối quan hệ hợp tác với các đồng nghiệp ở khắp nơi trên thế giới.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các chuyên đề như: Bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi; chuyên đề nhiễm HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội, đồng nhiễm viêm gan vi rút B, C và chuyên đề nghiên cứu về công tác điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân; chuyên đề các bệnh nhiễm trùng và truyền nhiễm ở trẻ em; các kỹ thuật xét nghiệm ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm; chuyên đề viêm gan virút, kháng sinh và kháng kháng sinh, các bệnh do nấm và ký sinh trùng, các nhiễm trùng bệnh viện và cộng đồng...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học trong lĩnh vực truyền nhiễm và HIV/AIDS trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi và cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên ngành, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, những thành tựu mới nhất trong nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS. Trong hội nghị có nhiều báo cáo chuyên đề mang tính thời sự, cấp thiết như: vấn đề viêm gan, kháng kháng sinh, bệnh mới nổi và tái nổi; ngoài ra còn thảo luận các ca bệnh làm cho hội nghị mang tính khoa học và tính thực tiễn cao. Thứ trưởng cũng đề nghị các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm và HIV/AIDS trong và ngoài nước, thời gian tới cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu và tìm ra các giải pháp nhằm dự phòng, kiểm soát các dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới nổi, bệnh lây truyền từ động vật, HIV/AIDS...
Quang cảnh Hội nghị.
Hiện có 205 báo cáo được gửi đến Hội nghị và có 123 báo cáo được trình bày tại Hội nghị, nội dung các báo cáo tập trung đề cập đến các chuyên đề: Chuyên đề về các bệnh do muỗi truyền; Chuyên đề về các bệnh nhiệt đới bị lãng quên và các bệnh lây truyền từ động vật sang người; Chuyên đề về Viêm gan; Chuyên đề về HIV/AIDS; Chuyên đề về các bệnh truyền nhiễm nhi; Chuyên đề về các bệnh do côn trùng và bệnh lây truyền qua trung gian truyền bệnh (bao gồm cả giám sát muỗi); Chuyên đề về vaccin và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccin; Chuyên đề về kháng sinh và vấn đề kháng kháng sinh; Chuyên đề về các bệnh do nấm; Chuyên đề về các kỹ thuật mới trong nghiên cứu bệnh nhiệt đới; về đào tạo đối với bệnh Nhiệt đới và Ký sinh trùng.
Hội nghị là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học trong lĩnh vực truyền nhiễm trong nước và quốc tế quan tâm trao đổi, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên môn. Bên cạnh đó còn đẩy mạnh sự gắn kết trong khu vực, cộng đồng các nhà khoa học thuộc lĩnh vực bệnh nhiệt đới và ký sinh trùng đã đề ra ý tưởng hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đưa ra những nhóm giải pháp mang tính chất bền vững. Đây cũng là Hội nghị đầu tiên có sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành thuộc các nước Đông Nam Á tham dự.