Ngày 24/7, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo tổng kết nghị quyết tới dự.
Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh Trần Ngọc Kha.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết: Nghị quyết đã được các cấp hội triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc, sâu rộng và được nông dân hưởng ứng tích cực. Theo ông Sùng, có 6 điểm nổi bật đạt được, 3 hạn chế và 6 kinh nghiệm, đồng thời đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp, đề xuất, kiến nghị 8 nội dung cụ thể trong việc thực hiện nghị quyết này.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng dành thời gian đáng kể thẳng thắn nêu bật và phân tích những mặt còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết. Trước hết, còn một số địa phương chưa xây dựng quy hoạch rõ ràng, chưa xác định được cây, con chủ lực có giá trị kinh tế nên trong sản xuất, nông dân còn tự phát theo phong trào, việc đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, còn hạn chế. Nông dân ít được tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị. Mối liên kết giữa nông dân với các “nhà” khác chưa bền chặt, thiếu gắn kết lợi ích và trách nhiệm giữa các bên với nhau…
Tỷ lệ nghèo ở một bộ phận dân cư nông thôn còn cao, giảm nghèo chưa bền vững, thu nhập và đời sống của nông thôn còn thấp, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn chưa được thu hẹp.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng nói trên là năng lực đội ngũ cán bộ Hội nông dân nhiều nơi còn yếu, thiếu tâm huyết, trách nhiệm, làm việc công một cách hành chính, thụ động. Ngoài ra, còn phải kể đến một số cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa phù hợp nhưng lại chậm được sửa đổi, bổ sung dẫn đến chưa tạo điều kiện tốt cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết Nguyễn Văn Bình ghi nhận: Trong 10 năm qua, thông qua các phong trào thi đua của nông dân, đã và đang hình thành hàng nghìn hộ nông dân sản xuất giỏi. 10 năm qua, người nông dân đã tự khẳng định được vị trí vai trò quan trọng trong xã hội.
Với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết, ông Nguyễn Văn Bình trả lời thẳng vào những kiến nghị, đề xuất của Hội Nông dân Việt Nam. Trong đó, có các vấn đề quyền tích tụ ruộng đất để đảm bảo sản xuất lớn, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Ông cho hay, trước mắt, có thể sẽ nâng cao hạn mức tích tụ, tùy theo điều kiện cụ thể từng địa phương mà ban hành các quy định cụ thể.
“Tất cả những gì liên quan đến sản xuất nông nghiệp đều có thể áp dụng trong việc thực hiện Nghị quyết này. Vì vậy, trong lần tổng kết này, có thể lồng ghép cả đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp để có thể tăng cường quản lý nhà nước trong sản xuất nông nghiệp như kiến nghị của các đồng chí”, ông Bình cho hay.
Về việc hình thành và hoạt động quỹ hỗ trợ nông nghiệp, ông Bình nêu quan điểm: Các địa phương nên đề nghị, thậm chí “tranh đấu” với chính quyền để có được quỹ này. Làm sao để quỹ được giữ gìn và sinh sôi nảy nở ngày một dồi dào, phát huy hiệu quả cao.
“Muốn vậy, chúng ta phải nắm được từng hộ nông dân, để sử dụng quỹ đúng mục đích, đối tượng, đảm bảo công bằng xã hội”.
Về đào tạo cho người nông dân, theo ông Bình, phải quan tâm đến hiệu quả kinh tế cho họ mới có tác dụng tốt. “Ở đây chúng ta chỉ nên hình thành một bộ máy hành chính, còn về hoạt động nên bàn kỹ với bà con xem họ cần ai hướng dẫn, hướng dẫn cái gì? Phải ba cùng với họ theo kiểu cầm tay chỉ việc mới có thể gắn kết các “nhà” với nhau một cách hiệu quả”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, muốn sản xuất hàng hóa lớn, muốn đảm bảo xuất khẩu sản phẩm, muốn chiếm lĩnh thị trường, phải có hợp tác xã. Để làm được việc này, vai trò của Hội nông dân các cấp, của Liên minh Các hợp tác xã Việt Nam phải vào cuộc thực sự.
Ngày xưa nông thôn ta yên bình lắm, không như bây giờ. Nay các hiện tượng khiếu kiện đông người, biểu tình, chống người thi hành công vụ trong nông thôn không còn là hiếm. Tại sao vậy? Đây có trách nhiệm của Hội nông dân các cấp. “Phải chăng nay có nhiều tổ chức quá nên không biết anh nào làm, anh nào chịu trách nhiệm? Bởi thế nên xảy ra hiện tượng cha chung không ai khóc?”, ông Nguyễn Văn Bình đặt vấn đề. |