Kinh tế

“Hồi sinh” nhiều dự án hạ tầng

ĐOÀN XÁ 28/05/2025 07:33

Hàng loạt dự án từng rơi vào tình trạng tưởng như không thể thực hiện được, nhưng đã bất ngờ “hồi sinh”, đem tới sức sống cho hạ tầng khu vực phía Nam.

tren(2).jpg
Phối cảnh Dự án cầu - đường Bình Tiên. Ảnh: Sở Xây dựng TPHCM.

Đầu tiên là dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài (trục Đông - Tây của TPHCM), một tuyến đường rất quan trọng nhưng từ lâu đã bị bỏ hoang. Dự án từng được triển khai khoảng 10 năm trước nhưng sau đó phải tạm dừng nhiều năm qua. Hiện nay, dự án không chỉ được tái khởi động lại mà còn kéo dài so với quy mô ban đầu để hoàn thiện hơn nữa hạ tầng khu vực. Cụ thể, UBND TPHCM vừa giao Sở Xây dựng thành phố lập báo cáo tiền khả thi và điều chỉnh dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài tới ranh địa bàn tỉnh Long An. Trước đó, dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài đã được khởi công xây dựng với quy mô từ đường Võ Văn Kiệt hiện hữu (giao với quốc lộ 1A) tới đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 2,7km. Sau đó dự án xây dựng được một số hạng mục (khoảng 12% khối lượng công việc) và đã tạm ngưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, ngoài việc tái khởi động lại, dự án còn được kéo dài với mô lên đến 12km để kết nối đường Võ Văn Kiệt và đường Vành đai 3 TPHCM (đang xây dựng) cũng như đường ĐT 823D ở ranh tỉnh Long An. Được biết, dù chỉ dài 12km nhưng đoạn đường từ Võ Văn Kiệt tới ranh tỉnh Long An đi qua hàng loạt nút giao thông, đường nối ở khu vực với kỳ vọng giảm áp lực và tạo thay đổi lớn về hạ tầng phía Tây Nam của TPHCM.

Không chỉ dự án kể trên, khu vực phía Nam hiện nay có nhiều dự án cũng đang được gấp rút tái khởi động lại sau một thời ách tắc. Nổi bật trong đó còn có dự án hạ tầng cầu và đường Bình Tiên nằm trên địa bàn quận 6 và quận 8 và huyện Bình Chánh. Cũng như dự án đường nối Võ Văn Kiệt, dự án cầu đường Bình Tiên cũng được triển khai từ hơn 10 năm trước nhưng đã không thể thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn lớn và mật độ dân cư quá lớn ở khu vực này. Tuy nhiên, theo kế hoạch dự án sẽ được khởi công lại nhờ những chính sách đặc thù áp dụng ở TPHCM. Ngoài ra, việc thay đổi thiết kế (đường - cầu cạn đi trên cao) cũng giúp dự án giảm đáng kể quỹ đất phải giải phóng mặt bằng. Dù chỉ kéo dài chưa tới 4km nhưng dự án này có vai trò rất quan trọng ở khu vực phía Nam của TPHCM, kết nối hàng chục tuyến đường lớn như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 50… cũng như san sẻ gánh nặng hạ tầng đang quá tải khu vực này. Với nguồn vốn khoảng 6.300 tỉ đồng, dự án sau nhiều lần điều chỉnh hiện nay đã gần như hoàn thiện về tính pháp lý và sẽ khởi công đầu năm 2026, dự kiến hoàn thành năm 2027 nhưng công tác giải phóng mặt bằng đã bắt đầu triển khai trong năm 2025 này.

Cũng có tình trạng trắc trở nhưng sắp được tái khởi động lại là dự án cải tạo xây dựng tuyến Quốc lộ 62 dài khoảng 70km, nằm ở tỉnh Long An. Điều đáng nói, bên cạnh việc khởi động lại dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 62 thì tuyến đường song hành với Quốc lộ 62 cũng được triển khai. Dù muộn vì phải chờ đợi nhiều năm nhưng việc triển khai đồng thời 2 dự án ở Quốc lộ 62 và song hành Quốc lộ 62 là niềm vui nhân đôi với người dân tỉnh Long An. Bởi Quốc lộ 62 là trục đường quan trọng, kết nối 2 trung tâm của tỉnh là TP Tân An và thị xã Kiến Tường cũng như cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp. Dự án cải tạo Quốc lộ 62 có nguồn vốn khoảng 3.200 tỉ đồng sẽ được khởi công đầu năm 2026 và hoàn thành sau đó 2 năm. Trong khi dự án cải tạo đường song hành quốc lộ có nguồn vốn hơn 11.000 tỉ đồng (do phải xây mới nhiều đoạn) cũng sẽ khởi công vào năm tới và hoàn thành sau đó 4 năm. Khi hoàn thành, 2 dự án này sẽ giúp tạo động lực đáng kể cho kinh tế khu vực Đồng Tháp Mười rộng lớn.

Nhờ chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính và chính sách đặc thù, thời gian này hàng loạt dự án hạ tầng lớn quan trọng ở khu vực phía Nam đã gỡ được các nút thắt để tái khởi động trở lại. Đây không chỉ là niềm vui mà còn là động lực cho một số dự án từng gặp khó khăn khác để có thể tái triển khai, với quy mô và nguồn vốn lớn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Hồi sinh” nhiều dự án hạ tầng