Hồi sinh những dòng sông

Bắc Phong 25/07/2023 06:39

Thành phố Hà Nội đã quyết định cải tạo 4 sông nội đô, bao gồm Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét. Đây là những đoạn sông nội thành nhưng lại luôn trong tình trạng ô nhiễm kéo dài suốt nhiều năm qua. Quyết định của UBND thành phố được người dân Hà Nội đón nhận một cách tích cực vì từ lâu người dân rất bức xúc trước sự ô nhiễm kinh khủng của những con sông.

Sông Tô Lịch là một trong những trục tiêu thoát nước chính của Hà Nội. Sông dài hơn 14km, chảy qua 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Mỗi ngày có hơn 300 cống xả thải được xả trực tiếp xuống lòng sông này, khiến màu nước đen ngòm và thứ mùi rất khó chịu bốc lên bất kể nắng mưa.

Sông Kim Ngưu kéo dài từ ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) đến khu vực Yên Sở (Hoàng Mai), dài 1,2km. Đây cũng là một trong những con sông đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thoát nước thải của nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, Kim Ngưu cũng đã: “khét tiếng” vì ô nhiễm.

Sông Lừ dài gần 10km, chảy qua các phường Nam Đồng, Quang Trung, Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên, Phương Mai (quận Đống Đa), Khương Mai, Phương Liệt (quận Thanh Xuân và phường Định Công; Đại Kim, quận Hoàng Mai). Suốt năm này sang năm khác, rác kết thành từng mảng trôi nổi suốt chiều dài con sông.

Sông Sét dài khoảng 3,6km cũng đang trong tình trạng ô nhiễm nặng.

Vì thế, việc UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” là rất cần thiết, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng chưa đủ vì nhiều năm qua đã có những “chiến dịch giải cứu” nhưng bất thành.

Kế hoạch làm sạch sông hồ đã nhiều lần được lãnh đạo thành phố hạ quyết tâm. Gần đây nhất là vào ngày 7/7/2022, UBND TP Hà Nội phối hợp cùng Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch”. Tại hội thảo, lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam nêu rõ, sông Tô Lịch đã gắn bó với Thăng Long - Hà Nội cả nghìn năm nhưng nay đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu không có quyết cao và những giải pháp đúng đắn, khoa học để cải tạo thì sông Tô Lịch sẽ biến thành dòng sông chết.

Khát vọng làm sống lại sông Tô Lịch đã qua nhiều đời lãnh đạo Hà Nội nhưng vẫn dừng lại ở khát vọng. Sông Tô Lịch trước đây vốn từng là một phân lưu của sông Hồng đưa nước từ thượng lưu sông Hồng sang sông Nhuệ. Thành phố phát triển, người đông lên, mật độ dân cư rất cao, đất “lưu không” hai bên bờ sông mất dần thay vào đó là các công trình xây dựng. Từ đó, do buông lỏng quản lý cộng với sự thiếu ý thức nên nước thải sinh hoạt xả thẳng vào sông.

Cũng cần nhắc lại, định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011, Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725 10/5/2013, xác định sông Tô Lịch có nhiệm vụ chính là phục vụ thoát nước cho đô thị, có chức năng là công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật thu gom nước mưa trong phạm vi lưu vực Tô Lịch để tự chảy ra sông Nhuệ khi mực nước sông Nhuệ nhỏ hơn hoặc bằng 3,5m.

Như vậy, ít nhất là đã 10 năm trôi qua (lấy mốc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tháng 5/2013) thì sông Tô Lịch vẫn tiếp tục ô nhiễm, không thể đảm nhận nhiệm vụ chính là dòng chảy tiêu thoát nước tự nhiên khi mưa to, ngập lụt.

Cũng giống như Tô Lịch, sông Kim Ngưu, Lừ, Sét cũng đã trở thành nơi xả thải từ lâu, mức độ ô nhiễm ngày một tăng.

Như đã nói, đã từ lâu hệ thống sông hồ của Hà Nội rất có vấn đề. Nhiều hồ nội thành bị lấp, nhiều ao hồ ngoại thành cũng bị lấp. Nhiều dòng sông trở thành nơi xả thải, lòng sông bị bùn đất tích lại làm cho sông cạn dần. Đến nay, không ai dám sử dụng nước trên những đoạn sông chảy trong nội đô, trừ để tưới cây.

Trả lại dòng chảy tự nhiên, trả lại những dòng nước trong thì phải bắt tay vào hành động. Việc UBND TP Hà Nội giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” là đúng chức năng nhiệm vụ. Nhưng thiết nghĩ chỉ một sở thôi chưa đủ, thành phố rất cần một Ban chỉ đạo với đầy đủ quyền hạn mới có thể hồi sinh được những dòng sông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi sinh những dòng sông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO