Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, nhiều dự án hạ tầng giao thông bị thi công “treo” hàng chục năm qua tại TPHCM đang được “hồi sinh” mạnh mẽ. Theo tiến độ, khi các công trình này đưa vào hoạt động vào cuối năm nay sẽ giúp người dân tại nhiều khu vực vùng trũng TPHCM thoát khỏi cảnh ngập nước, kẹt xe triền miên.
Dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa kết nối quận 7 và huyện Nhà Bè (TPHCM) đang nước rút về đích, trong đó hàng trăm công nhân ngày đêm tăng tốc tiến độ tháo cầu sắt cũ đã hơn 50 tuổi để có không gian xây dựng cầu Rạch Đỉa mới. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố, trong đó riêng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật đến nay đã lên đến 290 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, chủ đầu tư và các đơn vị nhà thầu được yêu cầu khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo đưa dự án thông xe vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Văn Mừng - người dân sống ở phường Phú Mỹ (quận 7) cho biết, việc thi công “treo” nhiều hạ tầng kết nối giữa quận 7, huyện Nhà Bè với trung tâm TPHCM (quận 1, 3,4, 5...) đã và đang khiến cho tình trạng kẹt xe, gián tiếp khiến ngập nước cục bộ ảnh hưởng đến khu Nam của TPHCM.
“Vào mùa mưa, người dân gặp nhiều khó khăn đi lại và sinh hoạt. Vào mùa khô thì khói bụi từ các công trình dang dở, cộng thêm mùi hôi thối từ bãi rác Đa Phước, đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống nơi đây” - ông Mừng bức xúc.
Liên quan đến tiến độ dự án này, ngày 27/9, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) cho biết, để đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay dự án cầu Rạch Đỉa đã được chỉ đạo quyết liệt, trong đó chủ đầu tư và nhà thầu đã thi công hoàn thành 10/10 mố trụ, hoàn thành lao lắp dầm cầu 7/9 nhịp và đang thi công bản mặt cầu. Đồng thời, các đơn vị cũng đang chuẩn bị lắp dầm cầu 2 nhịp còn lại. Ngoài ra, công nhân cũng thi công hoàn thành nền đường, cống thoát nước, đang tiếp tục thi công móng đường và vỉa hè.
"Đến nay, tổng sản lượng toàn dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa đạt khoảng 81%. Ban Giao thông và nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án cầu Rạch Đỉa thông xe vào tháng 12/2024" - đại diện Ban Giao thông TPHCM cung cấp thêm thông tin.
Được biết, việc xây dựng cầu Rạch Đỉa mới thay thế cầu hiện hữu đã xuống cấp không đáp ứng tải trọng khai thác, đã được người dân quận 7 và huyện Nhà Bè kiến nghị qua nhiều cấp, tại nhiều diễn đàn tiếp xúc cử tri, kể cả nghị trường HĐND TPHCM. Nhiều người dân khu Nam của thành phố mong ngóng dự án kịp hoàn thành vào cuối năm 2024 để cải thiện tình hình giao thông khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông khu vực. Mặt khác, cầu Rạch Đỉa là một trong 4 cầu sắt yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương (cùng với cầu Long Kiểng, cầu Rạch Tôm, cầu Rạch Dơi) sau khi hoàn thành cũng sẽ tăng năng lực lưu thông góp phần kết nối với tỉnh Long An, góp phần khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông phía Nam thành phố.
Cùng với khu Nam, một số dự án hạ tầng giao thông “treo” tại khu Đông của TPHCM cũng được lãnh đạo UBND TPHCM chỉ đạo quyết liệt để giải quyết dứt điểm. Trong đó, UBND TP Thủ Đức và Ban Giao thông TPHCM đã tổ chức tái khởi động dự án xây dựng cầu Nam Lý (TP Thủ Đức) với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Công trình thi công “treo” này được giám sát chặt chẽ từ đầu năm 2023 đến nay, được yêu cầu triển khai nhanh để hoàn thành sau 14 tháng tái khởi động trở lại.
Liên quan đến tiến độ dự án, đại diện Ban Giao thông TPHCM (chủ đầu tư) cho biết, dù ảnh hưởng mưa lớn kéo dài tác động không nhỏ đến tiến độ dự án, tuy nhiên đến nay toàn dự án đã đạt khoảng 92%. Các đơn vị thi công vẫn đang tập trung máy móc, nhân lực để hoàn thành những công đoạn cuối để cho thông xe ngay trong quý III năm nay. Cũng tại TP Thủ Đức, dự án cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai được khởi công từ cuối năm 2017, nhưng thi công ì ạch cho đến nay.
Theo ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thị sát nhiều dự án trọng điểm tại TP Thủ Đức, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo Ban Giao thông quyết liệt đôn đốc các nhà thầu, để tháng 12/2024 kịp thông xe. Qua đó, giúp giảm ùn ứ ở khu vực khu Đông của TPHCM.
Các dự án hạ tầng giao thông “treo” kể trên chỉ là một trong số nhiều dự án “treo” được HĐND TPHCM thông qua bằng 11 Nghị quyết cho phép đẩy nhanh thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất. Việc chậm trễ thi công kéo dài, đã khiến hàng vạn hộ dân nằm trong khu vực dự án này phải sống trong điều kiện sinh hoạt tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng không được sửa chữa hoặc xây mới, con cái thiếu các điều kiện về y tế, giáo dục... Chính vì vậy, quyết tâm chỉ đạo hồi sinh các dự án hạ tầng giao thông “treo” của TPHCM là nhu cầu cấp thiết hiện nay, đang được dư luận và người dân đặc biệt quan tâm, chờ đợi.