Từng là một khu vực sầm uất bậc nhất Kinh đô Huế đầu thế kỷ XIX, ngày nay phố cổ Gia Hội đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ để nơi đây “thành một Hội An” giữa lòng thành phố Huế đang được chính quyền và người dân quan tâm.
Một thời vàng son
Khu phố cổ Gia Hội - chợ Dinh nằm ở phía đông ngoài Kinh thành Huế, là khu vực sầm uất bậc nhất xứ Huế đầu thế kỷ XIX. Nơi đây tập trung nhiều phủ đệ, những ngôi chùa, đình, miếu của người Việt cùng với các hội quán của người Hoa đã tạo nên một không gian kiến trúc đặc sắc. Bên cạnh các di sản kiến trúc truyền thống, còn có các di sản phi vật thể và phi vật thể như các lễ hội truyền thống, các ngành nghề thủ công cổ truyền, các hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống… tiêu biểu cho một phần sinh hoạt của khu đô thị cổ bên cạnh kinh thành.
Gia Hội - Chợ Dinh từng là một trung tâm thương mại lớn của Kinh thành Huế dưới triều Nguyễn nhờ vào những yếu tố thuận lợi “cận kinh, cận thị, cận giang”.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, quá trình tích tụ dân cư, có thêm một phần khá đông những gia đình hoàng tộc quyền quý, trong bối cảnh thương nhân người Hoa từ thương cảng Thanh Hà - Bao Vinh chuyển dần lên vùng Gia Hội - Chợ Dinh để tiếp cận sát kinh thành. Cuối thời Minh Mạng, nhà vua đã cho chỉnh trang lại vùng Gia Hội, để vừa chống hỏa hoạn, vừa nâng cấp khu thương mại trọng điểm của kinh thành; tập trung xây dựng mới khu Chợ Được, hình thành ba dãy phố thương mại, với quy mô gồm 637 căn phố xây bằng gạch, mái lợp ngói, bờ sông Đông Ba được xây thêm lan can gạch. Bộ mặt của khu phố Gia Hội - Chợ Dinh thời Minh Mạng đã khoác lên mình chiếc áo mới bề thế hơn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, khu đô thị cổ Gia Hội - Chợ Dinh thực sự là một di sản độc đáo, mang yếu tố cấu trúc văn hóa của một vùng đô thị cổ, đang tồn tại trong một cộng đồng dân cư không ngừng biến động, bị sức ép của quá trình đô thị hóa thời hiện đại, lại thiếu một định hướng bảo tồn và phát triển phù hợp, nên qua thời gian đã bị biến dạng, có nguy cơ không gian kiến trúc có tính lịch sử và văn hóa của vùng này sẽ bị phá vỡ, tài nguyên văn hóa du lịch đang bị lãng phí hết sức đáng tiếc.
Để Gia Hội thành một “Hội An” của Huế
So với phố cổ Hội An, phố cổ Gia Hội cũng không thua kém gì về vẻ đẹp, các công trình kiến trúc độc đáo, cũng như mang trong mình những giá trị về văn hóa, lịch sử. Theo thống kê, phố cố Gia Hội hiện còn khoảng 83 công trình kiến trúc bao gồm phủ đệ và tư thất của quan lại triều Nguyễn, công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, nhà rường cổ… Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống di sản này đã và đang xuống cấp ở nhiều cấp độ khác nhau, khu phố đã dần mất đi nét cổ kính do những tác động của quá trình đô thị hóa, thời tiết khắc nghiệt của xứ Huế và nhiều yếu tố khác.
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho rằng, phố cổ Gia Hội là vùng đất tập trung rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa với rất nhiều loại hình như phủ đệ, hội quán, chùa, đình làng, nhà cổ, từ đường… Trong đó có những di tích nổi tiếng, như Quốc tự Diệu Đế, đình và miếu Thế Lại Thượng, các hội quán của người Hoa, cùng nhiều phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa.
Cùng với đó, nơi đây nổi tiếng với những di sản phi vật thể như các lễ hội truyền thống, nghề gia truyền, nghệ thuật ẩm thực đa dạng… Vậy nhưng, khu vực này vẫn được xem là khu vực tĩnh lặng, trầm mặc và ít có sự thay đổi để phát triển.
“Làm thế nào để Gia Hội phát huy giá trị của phố cổ là câu hỏi lớn, niềm trăn trở của rất nhiều người. Nhiều năm trước, chính quyền địa phương đã từng quyết tâm bảo tồn, phát huy khu phố cổ Gia Hội với mong muốn biến nơi đây thành một Hội An của Huế, tuy nhiên vẫn không thành”- ông Hải chia sẻ.
Theo ông Phan Thanh Hải, thành phố Huế đã và đang thực hiện quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch phát triển đô thị thành phố Huế, quy hoạch bảo quản, tu bổ Quần thể di tích Cố đô Huế… do đó cần quan tâm để triển khai quy hoạch chi tiết khu vực Gia Hội. Bởi đây là bước đi đầu tiên, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển đúng hướng, bền vững.
“Hầu hết các di sản của Gia Hội thuộc về cộng đồng, người dân. Vì vậy, cần có sự thay đổi về nhận thức trong cách tiếp cận, sử dụng di sản cho mục tiêu phát triển. Về điểm này, người dân Gia Hội nói riêng và người Huế nói chung cần học hỏi người dân Hội An. Học hỏi kỹ năng sử dụng, phát huy di sản, kỹ năng phục vụ để Gia Hội có thể trở thành một trung tâm dịch vụ phục vụ cho nhu cầu đa dạng của các đối tượng du khách”- ông Hải nói thêm.