Chính trị

Hội thảo hợp tác Việt Nam và Australia về 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045

PV 21/03/2024 19:29

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Việt Nam: 40 năm Đổi Mới và tầm nhìn 2045". Tham dự Hội nghị có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu từ các cơ quan của Đảng, các bộ, ngành của Chính phủ, các viện nghiên cứu và đào tạo, cùng đại diện của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và các chuyên gia đến từ Australia.

Hội thảo là một phần quan trọng trong chuỗi nghiên cứu phục vụ việc tổng kết 40 năm Đổi Mới của Việt Nam mà Trung tâm Việt - Úc hỗ trợ, nhằm phân tích và đưa ra khuyến nghị chính sách về các vấn đề phát triển quan trọng của đất nước, góp phần hiện thực hoá tầm nhìn phát triển của Việt Nam tới năm 2045.

hoi-thao-viet-nam-40-nam-doi-moi-va-tam-nhin-2045..jpg
Quang cảnh hội thảo.

Các kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết 40 năm Đổi mới và dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Hội thảo tập trung thảo luận về 6 chủ đề quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam: Những xu hướng lớn trên toàn cầu; Cải cách hệ thống quản trị công; Vượt bẫy thu nhập trung bình; Cải cách lĩnh vực tài chính ở Việt Nam; Đô thị hóa và hướng tới phát triển bền vững. Các kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ là đầu vào phục vụ cho việc xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết 40 năm Đổi mới và dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra 3 phiên họp chuyên đề về "Những xu hướng toàn cầu và hệ thống quản trị công ở Việt Nam"; "Phát triển đô thị và cải cách lĩnh vực tài chính ở Việt Nam"; "Vượt bẫy thu nhập trung bình và hướng tới phát triển bền vững".

Australia hỗ trợ Việt Nam thực hiện hóa tầm nhìn 2045 - Ảnh 1.
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của chuỗi nghiên cứu phục vụ tổng kết 40 năm Đổi mới của Việt Nam và việc hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các chuyên gia của hai nước. GS.TS Lê Văn Lợi khẳng định: "Sự hợp tác này sẽ tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Australia trong suốt 50 năm qua, đặc biệt là quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà hai quốc gia vừa nâng cấp".

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: "Hội thảo hôm nay là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học, nhất là các chuyên gia quốc tế, từ các góc nhìn khách quan, dựa trên những bằng chứng khoa học xác thực, tổng kết, đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới; rút ra những bài học kinh nghiệm, những định hướng chính sách có thể kế thừa và phát huy, để tiếp tục phát triển thành công trong giai đoạn mới.

Đồng thời, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, rất cần phải thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực, nhất là những điểm nghẽn, nút thắt đối với sự phát triển của Việt Nam chưa được hay chậm được tháo gỡ, khắc phục".

Australia hỗ trợ Việt Nam thực hiện hóa tầm nhìn 2045 - Ảnh 2.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Sự hợp tác này sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ Việt Nam - Australia được xây dựng, bồi đắp trong 50 năm qua và đang ngày càng phát triển, đặc biệt là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước vừa nâng cấp”.

Đại sứ Australia tại Việt Nam - Andrew Goledzinowski bày tỏ sự ấn tượng trước nỗ lực của gần 40 chuyên gia Australia và Việt Nam trong việc hợp tác thực hiện các nghiên cứu.

Đại sứ Andrew Goledzinowski chia sẻ: "Chúng tôi đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn 2045. Mối quan hệ của hai quốc gia chưa bao giờ bền chặt như thời điểm này và chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, dựa trên niềm tin như đã nêu trong tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Australia và Việt Nam lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện".

ngai-andrew-goledzinowski-dai-su-australia-tai-viet-nam-bay-to-su-an-tuong-truoc-no-luc-cua-gan-40-chuyen-gia-australia-va-viet-nam-trong-viec-hop-tac-thuc-hien-cac-nghien-cuu..jpg
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam.

TS Đào Ngọc Báu - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến các xu hướng toàn cầu và cơ hội lớn đối với Việt Nam. Theo ông Báu, có 3 cái cơ bản, cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. "Đó là nhận thức mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ hội thứ hai là giúp Việt Nam hình thành công nghiệp kết nối và thiết lập hạ tầng số. Thứ 3, Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế địa chiến lược của mình, Việt Nam có thể tạo thành quốc gia cầu nối với các quốc gia ASEAN với các nước Đông Á".

Phân tích hệ thống quản trị công ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới, GS Trần Ngọc Anh - Học giả quốc tế, Đại học Indiana, Mỹ kiến nghị phải thu hút được đội ngũ có năng lực. Theo đó, "Cải cách hệ thống đánh giá để tạo ra động lực làm việc và cải cách pháp lý để tạo ra không gian làm việc. Khi chúng ta có những chính sách toàn diện để tạo ra nền công vụ được cải thiện phục vụ sự phát triển của đất nước.”

Thảo luận bàn tròn: "Việt Nam: 40 năm Đổi Mới và tầm nhìn 2045", ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh bài học kinh nghiệm và giải pháp cho Việt Nam sau 40 năm đổi mới: "Điểm thứ nhất là có đổi mới về tư duy từ cái nền kinh tế kế hoạch hóa, sang nền kinh tế thị trường chuyển dịch trong cả một quá trình 40 năm là một dấu ấn mà rất là lớn. Chuyển dịch thứ hai là định vị lại vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế; từ một tư duy nhà nước làm tất, kinh tế quốc doanh là chủ đạo, nhưng dần dần Nhà nước định vị được vai trò bớt tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế. Nội dung thứ ba là vai trò của kinh tế tư nhân, đã chú trọng vào phát triển kinh tế tư nhân, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội thảo hợp tác Việt Nam và Australia về 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2045