Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952 - 2022), sáng 14/10, tại TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Dự Hội thảo có: Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan, nhà khoa học…
Đoàn chủ tịch Hội thảo gồm các Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
Tham gia Đoàn chủ tịch còn có Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, nhấn mạnh: Hội nghị Ban chấp Trung ương Đảng lần thứ ba, khóa II (tháng 4/1952) đã thống nhất chủ trương: Tiếp tục phát huy quyền chủ động chiến lược, mở chiến dịch tiến công địch trong Thu - Đông 1952 với phương châm: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm sơ hở của địch mà đánh… nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, giải phóng đất đai, giành dân, phá âm mưu lập "Xứ Thái tự trị" của thực dân Pháp. Sau gần 2 tháng tiến hành Chiến dịch Tây Bắc (từ ngày 14/10 đến 10/12/1952), ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng phần lớn đất đai và nhân dân các dân tộc trên địa bàn chiến lược, phá được âm mưu chiếm đóng của địch; nối thông Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc, vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và Thượng Lào.
Ban tổ chức hội thảo nhận được hơn 90 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, viện nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Mỗi tham luận đều đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể. Đặc biệt, các tham luận: “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân” của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng” của Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Bài học về công tác tham mưu chiến lược” của Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng… đã làm rõ tầm nhìn chiến lược, sự linh hoạt, sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh về quyết định mở chiến dịch và lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch thắng lợi.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực trong những năm đầu thập niên 1950; âm mưu, thủ đoạn mở rộng chiếm đóng và lập “Xứ Thái tự trị” ở vùng Tây Bắc của thực dân Pháp, để làm rõ thuận lợi, khó khăn khi tiến hành chiến dịch; chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, khẳng định tầm nhìn chiến lược và tài thao lược của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh khi quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức và thực hành tác chiến của các lực lượng vũ trang; vai trò của đảng bộ các địa phương và các lực lượng dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công; sự phối hợp của các chiến trường, các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trong chiến dịch Tây Bắc. Đồng thời làm sáng tỏ bước phát triển của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, các tham luận đi sâu phân tích nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch. Đó là nghệ thuật chọn hướng tiến công; nghệ thuật sử dụng lực lượng; nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch; nghệ thuật chọn mục tiêu chủ yếu, đánh trận then chốt; cách đánh sáng tạo được hình thành và phát triển trong suốt quá trình chiến dịch…
Kết quả của Hội thảo góp phần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Tây Bắc; đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để chúng ta vận dụng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
* Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952 - 2022), tỉnh Yên Bái tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt, tối 13/10, tại Quảng trường 19-8, UBND thành phố Yên Bái tổ chức Chương trình Nghệ thuật “Tây Bắc huyền thoại”. Chương trình được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, các ca khúc: Hò kéo pháo, Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên, Tình ca Tây Bắc, Mời anh về Tây Bắc và các điệu dân ca, dân vũ tại chương trình đã đem đến cho người xem một không gian nghệ thuật đầy cảm xúc, đa sắc màu, thể hiện được tinh thần của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc. Cùng với đó là tinh thần đoàn kết, tươi vui, tình yêu quê hương, Tổ quốc với những lời ca như mời gọi du khách gần xa ghé thăm Tây Bắc hùng vĩ.