Sáng 18/8, tại TP Hạ Long, UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã phối hợp với Bộ VH,TT&DL tổ chức Hội thảo Nhận diện giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử.
Quang cảnh hội thảo
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và ông Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo về phía chuyên gia quốc tế có GS Uh Hea Rii, Chủ tịch ICOMOS Hàn Quốc, đại diện tổ chức ICOMOS (Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ) của UNESCO cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị có liên quan của 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, các nhà khoa học có uy tín của trung ương, địa phương.
Tại đây, các đại biểu đã được nghe phân tích, đánh giá tổng quan về các giá trị của Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử, trong đó tập trung làm rõ các tiêu chí II, III, V, VI, VII theo các tiêu chí đánh giá về Di sản thế giới của UNESCO, tính toàn vẹn và tính xác thực của di sản. Một số ý kiến cũng tập trung đánh giá những giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di sản trong việc so sánh bước đầu với các Di sản thế giới tương đồng trong khu vực và thế giới; định hướng trong việc quản lý Quần thể di sản với tư cách là một di sản thế giới có tính chất liên vùng.
Theo đó, Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử đề cử bao gồm 5 cụm di tích, danh thắng chính thuộc phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Quần thể di sản Yên Tử không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng với cảnh quan đặc sắc mà còn là quê hương của vương triều Trần trong lịch sử, là “Đất tổ Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam”. Tại đây, trải qua lịch sử cả nghìn năm, qua nhiều triều đại từ Lý - Trần - Lê - Nguyễn đến nay nhiều di tích lịch sử, văn hoá quý giá vẫn đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Đặc biệt, Quần thể di sản cũng là nơi hình thành, phát triển của Trung tâm Phật giáo thiền tông thuần Việt, do người Việt sáng lập ra, gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp tu hành của Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông và các thế hệ thiền sư sau này.
Với tầm quan trọng của Quần thể di sản, Chính phủ Việt Nam đã nhận diện, xếp hạng hàng loạt các di tích, danh lam thắng cảnh trong quần thể ở cấp tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt, với đầy đủ 3 loại hình di tích (gồm di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ) và các danh lam thắng cảnh. Trong đó, Quần thể di sản đề cử đến nay đã có 4 di tích, danh lam thắng cảnh đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt khẳng định khu vực di sản đề cử đã được đặt trong sự bảo vệ cao nhất về mặt pháp lý.
Tham gia ý kiến tại hội thảo, GS Uh Hea Rii, Chủ tịch ICOMOS Hàn Quốc, đại diện cho tổ chức ICOMOS của UNESCO đã giới thiệu, hướng dẫn về quy trình lập hồ sơ đề cử Di sản thế giới; kinh nghiệm, cách làm của các nước khác nhau đối với những di sản có tính chất liên vùng tương tự như Yên Tử; những vấn đề cần chú ý khi lập hồ sơ như tên hồ sơ, cách sử dụng bản đồ, bản vẽ, hình ảnh... GS Uh Hea Rii cũng lưu ý về cơ chế, cách thức quản lý của các tỉnh trong phạm vi di sản đối với Quần thể di sản đề cử đảm bảo hiệu quả, phù hợp với mỗi di sản; trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc đưa vào hồ sơ về vai trò của cộng đồng khu vực di sản trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Việc giới thiệu về di sản đề cử dựa vào các tiêu chí khi lựa chọn áp dụng cho hồ sơ phải có sự so sánh với các di sản thế giới có tính chất tương tự để làm nổi bật tính chất độc đáo, khác biệt của Quần thể di sản đề cử...
Kết luận hội thảo, GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia đã tổng kết lại các vấn đề chính được bàn đến tại đây. Theo đó, Hội thảo đã thu nhận được nhiều ý kiến về việc lập hồ sơ đảm bảo sự bài bản, hiệu quả, có tính khoa học cao. Các ý kiến cũng đã đưa ra những ý tưởng về việc lựa chọn các tiêu chí cho việc lập hồ sơ; kế hoạch quản lý di sản là yêu cầu bắt buộc trong quá trình lập và đệ trình hồ sơ di sản đề cử. Trong quá trình phát biểu, chuyên gia của ICOMOS đã cho thấy nhiều kinh nghiệm quý trong quy trình lập hồ sơ di sản thế giới về nhiều vấn đề như: Cách sử dụng thuật ngữ, tên gọi, quy trình lập hồ sơ cụ thể, việc bổ sung các điểm di sản khác vào hồ sơ ban đầu; có sự tham khảo, đối chiếu về sự giống, khác nhau để làm nổi bật tính độc đáo của di sản đề cử; cách bảo tồn trong điều kiện thực tế của địa phương; chuẩn hoá về ngôn ngữ trong hồ sơ; lộ trình gửi hồ sơ; xác định được tiêu chí chính xác để xây dựng hồ sơ đảm bảo chất lượng…
Các ý kiến tại hội thảo cũng thống nhất đề nghị thành lập 1 Ban chỉ đạo có sự tham gia của 3 tỉnh, trong đó có 1 trưởng ban; thành lập 1 bộ phận để chuẩn bị hồ sơ di sản đề cử đảm bảo là có 1 tổ chức mạnh, thống nhất để làm hồ sơ. Hồ sơ đã đưa ra là phải chắc thắng, vì vậy việc chuẩn bị của các địa phương cần kỹ lưỡng, chắc chắn, không chạy đua theo thời gian mà dựa vào chất lượng hồ sơ để lựa chọn thời điểm phù hợp trình hồ sơ. GS Lưu Trần Tiêu cũng mong rằng trong quá trình xây dựng hồ sơ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong nước, GS Uh Hea Rii sẽ tiếp tục giúp các tỉnh trong việc hoàn thiện hồ sơ để có thể trình UNESCO trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, vào ttrung tuần tháng 7 vừa qua, cuộc họp của Bộ VH,TT&DL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chủ trì về việc triển khai xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới đã giao cho 3 tỉnh, trong đó giao Quảng Ninh chủ trì trong cuộc làm việc với GS Hea Un Rii, Chủ tịch Tổ chức ICOMOS Hàn Quốc, chuyên gia được tổ chức ICOMOS (Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ) của UNESCO cử đến Việt Nam hỗ trợ thực hiện giai đoạn I của Quy trình tập trung - Upstream Process, đối với hồ sơ này trong tháng 8.
Do đó, quy trình xây dựng hồ sơ Di sản thế giới có sự thay đổi so với trước đây. Theo đó, các tổ chức như IUCN (đối với các di sản thiên nhiên) và ICOMOS (đối với các di sản văn hoá) sẽ cử chuyên gia đến thẩm định bước đầu ngay từ trước khi các nước có di sản lập hồ sơ. Như vậy, GS Hea Un Rii được ICOMOS cử đến khảo sát thực địa tại các khu vực di sản đề cử của 3 tỉnh; gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng dân cư địa phương và doanh nghiệp đầu tư khai thác hoạt động du lịch tại nơi có di sản đề cử trong những ngày qua là nhằm mục tiêu này. Đó là thẩm định bước đầu về giá trị nổi bật toàn cầu, về tính xác thực, tính toàn vẹn của Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử, từ đó xác định về tính khả thi của di sản dự kiến đề cử.
Theo quy định thì trong vòng 7 tuần sau khi khảo sát thực địa tại di sản, chuyên gia ICOMOS sẽ có báo cáo chính thức về việc này. Do đó, khi 3 tỉnh tiến hành hội thảo sau chuyến đi khảo sát thực địa của chuyên gia ICOMOS cũng là tranh thủ sớm ý kiến của chuyên gia về việc tiến hành lập hồ sơ di sản thế giới đối với Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử. Thêm nữa, sau này nếu di sản được đánh giá là khả thi khi đề cử Di sản thế giới thì sự tham vấn sớm của GS Hea Un Rii là rất quan trọng. Bởi lẽ tổ chức ICOMOS là cơ quan tư vấn về di sản văn hoá của UNESCO. Trong quá trình đề cử di sản văn hoá tới Uỷ ban Di sản thế giới thì một hồ sơ đề cử nhất định phải qua khâu thẩm định của tổ chức này, tập trung vào 2 nội dung cơ bản: Các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và những hoạt động để đảm bảo sự toàn vẹn của di sản.
Hội thảo lần này giúp Quảng Ninh và Hải Dương, Bắc Giang có cơ hội tham vấn ý kiến chuyên gia ICOMOS trong việc đánh giá, xác định giá trị Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử trên địa bàn 3 tỉnh và xác định chính xác hơn các điểm di sản đề cử và tiêu chí phù hợp để xây dựng hồ sơ di sản đề cử.