Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921-8/8/2021), sáng 7/8, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương ương, Văn phòng Quốc hội, Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đồng chí Lê Quang Đạo với cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh” theo hình thức trực tuyến.
Chủ trì Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy.
Dự Hội thảo có Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Lê Quang Đạo đối với Đảng, cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Lê Quang Đạo (tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện), sinh ngày 8/8/1921, tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938, được kết nạp vào Đảng năm 1940. Trước Cách mạng tháng 8/1945 và trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo trải qua nhiều cương vị chủ chốt của Đảng.
Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1987-1992), đồng chí đã đóng góp nhiều tâm huyết vào việc tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1980 thành Hiến pháp năm 1992 phù hợp Cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới.
PGS.TS Lý Việt Quang, Viện Trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phân tích, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Quang Đạo gắn liền với những biến đổi to lớn và sâu sắc của đất nước, đặc biệt trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Bắc Kỳ.
Năm 1943 khi mới 22 tuổi, đồng chí Lê Quang Đạo là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Cả ba lần đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đều trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, đặc biệt là lần thứ 3 đồng chí Lê Quang Đạo đã thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc” toàn dân, toàn diện, đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá ác liệt của quân Pháp.
Trong tham luận tại Hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cũng khẳng định, đồng chí Lê Quang Đạo là một vị tướng trong quân đội, có tài năng kiệt xuất, đóng góp rất xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước.
Đồng chí Lê Quang Đạo trong nhiều cương vị khác nhau trong quân đội đã luôn thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ Cộng sản, hết lòng hết sức vì tổ quốc, vì nhân dân. Đồng chí luôn yêu thương đồng chí, đồng đội và luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân. Đồng chí cùng với đồng đội trong quân đội thực hiện thắng lợi các trận đánh, quyết định đến cục diện của chiến trường và góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc sau này.
Là Chủ tịch Quốc hội khóa VIII giai đoạn 1987-1992, khi tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, phức tạp, đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đồng chí Lê Quang Đạo đã chỉ đạo thực hiện đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội nhằm thể chế hóa hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng.
Trong nhiệm kỳ này, với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Quốc hội đã thể hiện nổi bật vai trò xây dựng và ban hành pháp luật, với 2 bộ luật, 29 đạo luật và 42 pháp lệnh.
Một dấu ấn quan trọng của thời kỳ này là trên cơ sở sửa đổi Hiến pháp năm 1980, đồng chí Lê Quang Đạo đóng góp nhiều tâm huyết, toàn diện để Quốc hội ban hành Hiến pháp năm 1992 phù hợp với giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, "dưới sự chủ trì và lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Quốc hội khóa VIII đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng về phát huy dân chủ và nâng cao năng lực đại diện của đại biểu Quốc hội.
Hiến pháp năm 1992 đã đổi mới rất toàn diện những vấn đề liên quan đến nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, sở hữu toàn dân cũng như là nền kinh tế nhiều thành phần. Những vấn đề liên quan đến luật kinh doanh, đấu thầu và có một bộ luật có giá trị thực tiễn sâu sắc, đó là Luật Đất đai”.
Trong tham luận Chủ tịch Lê Quang Đạo với sự nghiệp xây dựng MTTQ Việt Nam và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nêu rõ, đồng chí Lê Quang Đạo là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân ta, nguyên là Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là một trong những vị Chủ tịch Mặt trận tạo bước đột phá cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc lên tầm cao mới.
Với 17 năm tham gia công tác Mặt trận, đồng chí đã có những đóng góp to lớn với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cũng khẳng định: Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo là tấm gương mẫu mực về thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Càng kính trọng phẩm chất đạo đức cách mạng và tài năng của đồng chí Lê Quang Đạo, một nhân cách lớn, “người Cộng sản kiên cường mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính”, càng thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa của việc phát huy trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, nỗ lực không ngừng phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với sự tin tưởng và trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.