Đến trưa ngày 19/12, Chương trình truyền thông “Chung tay vì sự sống 2015” đã nhận được hơn 1.000 đơn xin hiến tạng.
Buổi lễ thu hút hàng nghìn người tham gia. Ảnh Trần Ngọc Kha.
Sáng nay, 19/12, tại Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp với Học viện Quân Y đồng tổ chức chương trình truyền thông “Chung tay vì sự sống 2015”.
Tới dự có GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo Cục Quân y và Học viện Quân y cùng đại diện Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bà Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương, Trưởng ban Phong trào. Tham dự chương trình còn có đại diện giới phật giáo, linh mục và những người hiến tạng, nhận tạng...
Phát biểu giao lưu tại buổi lễ, Linh mục Phan Khắc Từ, Phó Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vận động hiến mô tạng Việt Nam cho rằng: Hiến tạng là hành động cao đẹp của con người, giúp con người sống có ích hơn. Bằng chính sự cao cả này góp phần đem lại và kéo dài sự sống tốt đẹp hơn cho con người.
Thượng toạ Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh bày tỏ: Phật giáo có khái niệm bố thí và hiến tạng cũng là một trong những mong mỏi của chúng tôi. Phật giáo chia làm hai loại tài sản là vật chất và sự sống. Việc hiến tạng cũng là một cách để thực thi phật pháp.
Giao lưu tại buổi lễ.
Những người tham gia buổi lễ cũng nhận được từ ông Phạm Khắc Khoan ở tỉnh Thái Nguyên, người có bố tự nguyện hiến xác cho khoa học nhiều chia sẻ.
Theo ông Khoan, từ xưa, đây là việc mà trong dòng họ nhà ông chưa ai làm. Ngày ấy, chính ông là người đầu tiên ủng hộ bố làm việc này nhưng mẹ và các em ông phản đối gay gắt. Tuy nhiên, với quan niệm “cứu một người phúc đẳng hà sa”, ông Khoan vẫn kiên trì cùng bố thuyết phục gia đình đồng tình cho cụ hiến xác.
Nhưng, liệu sau khi cụ nằm xuống, tâm nguyện này có được những người sống thực thi hay không? Lo lắng như vậy, ông Khoan đến tất cả những nơi có thể để làm thủ tục hiến xác cụ cho khoa học. Cuối cùng ông cũng giúp bố toại nguyện. Nhân đây, ông Khoan chia sẻ, ông cũng noi gương bố xin hiến tặng toàn bộ thân xác của mình cho khoa học.
Chị Phạm Thị Tuyết, một nông dân chân lấm tay bùn đến từ TP Hải Phòng chia sẻ chị đã hiến một bên thận cho người khác. Chị tâm sự định hiến từ mấy năm trước nhưng con còn nhỏ quá nên giờ mới thực hiện được.
Chị cho hay mình nảy sinh tâm nguyện hiến thận cứu người xuất phát từ thực tế xung quanh có nhiều người bị hỏng thận, rất thương tâm. Chị đã hiến một bên thận và đang muốn được hiến một bên gan lúc còn sống. Chị cũng có tâm nguyện được hiến toàn bộ xác của mình khi chết cho khoa học. Noi gương chị, chồng chị cũng bắt đầu có tâm nguyện hiến tạng.
Chương trình truyền thông “Chung tay vì sự sống 2015” đến chiều ngày 19/12 đã nhận được hơn 1.423 đơn xin hiến tạng và được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục Việt Nam về đăng ký hiến tạng.