Trong số 2.829 trường học tại 30 quận, huyện của Thủ đô, có 152 trường học thường xuyên xảy ra ùn tắc. Vì vậy, Sở Xây dựng Hà Nội đang lên kế hoạch để tổ chức lại giao thông các vị trí.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, sau khi rà soát tại 30 quận, huyện của Thủ đô có 152 trường học thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Trong đó, tại nội thành, Hoàng Mai có 26 trường, Thanh Xuân 16 trường, Hoàn Kiếm 14 trường, Đống Đa 14 trường, Tây Hồ 9 trường, Bắc Từ Liêm 8 trường, Cầu Giấy 7 trường, Long Biên 5 trường, Hà Đông 5 trường, Nam Từ Liêm 3 trường và Ba Đình 1 trường.
Còn tại khu vực ngoại thành có 44 trường thường xuyên ùn tắc, tập trung ở các huyện Thạch Thất, Đông Anh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Đan Phượng.
Để khắc phục tình trạng trên, Sở Xây dựng cho biết, đang tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại 3 khu vực trường học.
Bao gồm: Cụm trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông); cụm trường Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, Trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai) trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì ATGT đường bộ toàn cầu (Dự án BIGRS) giai đoạn 2021-2025.
Sau khi tổ chức lại giao thông, thiết lập cổng trường học theo hướng an toàn, Sở Xây dựng khẳng định các khu vực cổng trường nói trên giảm hẳn tình trạng ùn tắc. Các phương tiện di chuyển qua lại thuận tiện thay vì bị cắt ngang hay chen lấn với phụ huynh đưa con tới trường như trước đó. Giờ tan học, thầy cô giáo cùng với lực lượng công an hướng dẫn phụ huynh, học sinh đứng theo quy định, khu vực lớp.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên tắc chung của thiết kế đường phố và khu vực trường học an toàn là ưu tiên cho đối tượng yếu thế, chú trọng sự di chuyển của con người hơn phương tiện; ưu tiên việc đi bộ và đi xe đạp an toàn của học sinh hơn việc di chuyển nhanh của các phương tiện cơ giới.
Về giải pháp hạ tầng, Sở Xây dựng cho biết, hướng tổ chức lại cổng trường an toàn sẽ làm lối đi bộ cho học sinh sang đường được thuận tiện; tăng khả năng nhận diện của người tham gia giao thông; thu hẹp làn di chuyển nhằm giảm vận tốc của các phương tiện khi đi qua khu vực trường học; mở rộng vỉa hè, tạo lối đi bộ rộng, thông thoáng, hấp dẫn cho học sinh.
Cùng với đó là tổ chức lại các vị trí đỗ xe của phụ huynh, tạo không gian phù hợp cho việc chờ đón học sinh có trật tự và khoa học; tạo đảo giao thông kết hợp điểm trú chân cho người đi bộ sang đường; bố trí làn đường dành cho học sinh đi xe đạp qua nút giao.
"Với mỗi trường sẽ có những giải pháp kỹ thuật đặc thù, tùy theo điều kiện hạ tầng khu vực. Ví dụ như với cụm trường Xuân Đỉnh, dự án đề xuất làm lối đi bộ nổi, gờ giảm tốc, lắp đặt cọc tiêu ngăn để tạo không gian an toàn cho người đi bộ.
Với Trường Tiểu học Nguyễn Du, ngoài làm lối đi bộ nổi, cụm gờ giảm tốc, sẽ bố trí khu vực để xe máy đưa đón học sinh phân theo khung giờ cao điểm (7-8h và 16-17h). Các khu vực này cấm đỗ ô tô.
Còn với cụm trường Sài Sơn, nơi có nhiều xe tải lưu thông, dự án đã bố trí các đảo trú chân cho người đi bộ; mở rộng vỉa hè, rút ngắn khoảng cách sang đường; kẻ vạch cho người đi bộ; bố trí gờ giảm tốc", Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.