Hơn 280 nghìn bài thi viết 'Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ'

Duy Hưng 05/05/2023 16:19

Ban tổ chức ghi nhận không chỉ người trong tỉnh dự thi mà còn có cả người nước ngoài; có phụ lão 106 tuổi cùng nhi đồng 7 tuổi tham gia dự thi; ngoài bài đánh máy còn có cả bài dự thi viết tay dài đến 500 trang…

Sáng 5/5, Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết với chủ đề “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công nhân Nhà máy Dệt Nam Định trong lần thứ 4 về thăm tỉnh (3/1959). Ảnh: Tư liệu.

Cuộc thi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định phát động cách đây hơn 3 tháng (ngày 10/1), mở đầu và nằm trong chuỗi các hoạt động của tỉnh Kỷ niệm 60 năm lần cuối Bác Hồ về thăm Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nam Định (21/5/1963 - 21/5/2023).

Báo cáo tổng kết Cuộc thi, bà Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định cho biết Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

“Có nhiều bài dự thi của cán bộ, công chức, viên chức; nhà khoa học, nhà nghiên cứu sưu tầm; người cao tuổi, cán bộ, hội viên các tổ chức hội, đoàn thể; lực lượng cán bộ vũ trang; đại diện tổ chức tôn giáo, đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh, giáo viên các cấp học. Đặc biệt Cuộc thi có người tham gia dự thi là người đã có vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ (bà Vũ Thị Bích Liên, Phường Trần Đăng Ninh, TP Nam Định; nguyên là công nhân Nhà máy Dệt Nam Định-PV)”, bà cho biết.

Thêm rằng: “Cuộc thi còn thu hút được sự hưởng ứng tham gia của người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Nam Định (tác giả Lee Ki III, Công ty TNHH Vina Ki Global, quốc tịch Hàn Quốc, với bài thi viết song ngữ Việt - Hàn-PV); một số bài dự thi tham gia đến từ các tỉnh Đồng Nai, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên, Hà Nội…”.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc trao giải Đặc biệt cho Nhóm tác giả thuộc Lực lượng vũ trang TP Nam Định.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định, Ban Tổ chức đã nhận được tổng cộng 280.017 bài dự thi. Trong đó, TP Nam Định có nhiều bài dự thi nhất, 100.023 bài.

“Tác giả dự thi cao tuổi nhất là ông Hoàng Trung Lượng, sinh năm 1917 (106 tuổi), trú ở Phường Lộc Hòa, TP Nam Định; tác giả ít tuổi nhất là em Ngô Bảo Hân, sinh năm 2016 (7 tuổi), Học sinh lớp 1A2, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định”, bà thông tin.

Đại diện Ban tổ chức cũng cho biết, hàng chục bài viết được đầu tư công phu về nội dung, tư liệu, hình ảnh. Nhiều bài dự thi dày từ 300 đến 600 trang; đầu tư tỉ mỉ, công phu với tài liệu thuyết minh, ứng dụng công nghệ như thiết kế mã QRcode để thuận tiện theo dõi nghiên cứu trên điện thoại smartphone, xây dựng các video clip minh họa, làm các mô hình, sa bàn, tranh cát. Nhiều bài dự thi có những tư liệu quý đã được sưu tầm, cất giữ qua nhiều năm.

“Có rất nhiều bài dự thi được viết tay cẩn thận, sạch đẹp, trang trí công phu trên 500 trang với nhiều hình ảnh, tư liệu quý Bác Hồ với Nam Định qua các bài báo của tác giả đến từ huyện Hải Hậu”, đại diện Ban tổ chức cho biết thêm; đồng thời nhìn nhận: “Nhiều bài dự thi có nội dung sâu sắc, liên hệ với việc trong học tập và làm theo Bác rất sát với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị hay nghề nghiệp, bản thân cá nhân”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đoàn Văn Hùng (thứ 4, từ trái qua) trao giải cho các tác giả.

Chia sẻ tại buổi Lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất của Việt Nam; Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp Cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ Quốc, phục vụ Nhân dân, là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Sự vĩ đại của Người thể hiện ở tầm cao tư tưởng, ở tấm gương đạo đức, ở việc làm và phong cách bình dị, gần gũi Nhân dân, nhưng lại có sức thuyết phục mạnh mẽ bởi đối với Người lời nói luôn đi đôi với việc làm, tất cả vì lợi ích của tập thể, của Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân”.

Ông nhìn nhận Cuộc thi “thực sự là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp Nhân dân”. Thêm rằng: “Ở họ đều có điểm chung là đón nhận Cuộc thi một cách tự giác, tích cực bằng tình cảm chân thành, lan toả ý nghĩa giá trị cao đẹp của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, của việc học tập và làm theo Bác, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, sự phấn khởi, niềm tin tưởng và khát vọng đối với sự phát triển của tỉnh nhà”.

Ông đồng thời nhìn nhận “Các tác phẩm dự thi đều là tâm huyết của các tác giả, thể hiện lòng thành kính, tri ân, niềm tự hào đối với Bác Hồ kính yêu”. Và chia sẻ: “Bây giờ không mấy người viết tay, chủ yếu là đánh máy nhưng trong Cuộc thi có những bài dự thi được tác giả viết tay, nắn nót, dài đến 500 trang. Tôi chưa bao giờ thấy ai viết chữ đẹp, công phu như vậy! Điều đó nói lên tình cảm sâu nặng của cán bộ, người dân Nam Định với Bác Hồ”.

Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh Nam Định, trong đó có chức sắc các Tôn giáo. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Nam Định Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài trao giải cho Thượng tọa Thích Giác Vũ, trụ trì Chùa Vọng Cung, TP Nam Định.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, Kỷ niệm 60 năm lần cuối Bác Hồ về thăm Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nam Định, ôn lại những lời căn dặn của Người, là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình, nỗ lực phấn đấu rèn luyện, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động; để việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, tự giác, góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị về đạo đức lối sống, “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hoá”, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu xa rời quần chúng.

Ông cho rằng, kết quả Cuộc thi không chỉ dừng ở các giải thưởng mà quan trọng hơn là ý nghĩa nhân văn sâu sắc và giá trị tuyên truyền, giáo dục của Cuộc thi. Từ đó chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thời gian tới cần tiếp tục có những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả tạo sự lan toả mạnh mẽ trong việc học và làm theo Bác, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu.

Chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó và phục vụ Nhân dân, qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đổi mới toàn diện, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững; đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị trao giải Nhất tới cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên Trường Tiểu học xã Yên Trị, huyện Ý Yên.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố và trao 40 giải thưởng, trong đó có 1 giải Đặc biệt, 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 10 giải Ba, 25 giải Khuyến khích.

Giải Đặc biệt được trao cho Nhóm tác giả Lực lượng vũ trang TP Nam Định.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên Trường Tiểu học xã Yên Trị, huyện Ý Yên được trao giải Nhất.

Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham gia và triển khai tổ chức, hưởng ứng Cuộc thi.

Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cùng các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trao giải cho các tác giả đạt giải.

Niềm vui của các tác giả sau khi được trao giải.

Được biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần về thăm và làm việc tại tỉnh Nam Định; dành nhiều tình cảm, sự quan tâm, chỉ đạo, cổ vũ, động viên cán bộ, nhân dân địa phương thực hiện thắng lợi các phong trào cách mạng; để lại trong lòng cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Nam Định nhiều tình cảm sâu đậm.

Lần đầu Bác về thăm Nam Định vào ngày 10/1/1946, sau khi nước nhà giành được độc lập chưa lâu. Tại Uỷ ban hành chính TP Nam Định, Bác đã gặp và nói chuyện thân mật với đại biểu các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo và cán bộ các ngành, các giới trong tỉnh. Bác nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, thương yêu nhau, chăm lo mọi mặt công tác, ủng hộ Quốc hội và Chính phủ. Sau đó Bác gặp mặt các cháu đại biểu thiếu nhi TP Nam Định. Dịp này, Bác đã đến thăm, tặng quà các cháu mồ côi được nuôi ở nhà tế bần và nhà Dục Anh (đường Hàn Thuyên ngày nay).

Lần thứ hai, vào ngày 24/4/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt Nam Định. Dịp này, Bác đã đi thăm các phân xưởng Tơ, Sợi, Dệt, Nhuộm, Chăn; thăm Nhà kho và Bệnh xá và khu tập thể của Nhà máy.

Lần thứ ba, hơn một năm sau, vào ngày 13/8/1958, Bác về thăm Nam Định, dự Đại hội sản xuất nông nghiệp của tỉnh, họp tại xã Yên Tiến (huyện Ý Yên) - nơi có kết quả thu hoạch vụ chiêm cao hơn cùng kỳ năm trước gần 59 tấn thóc, đồng thời đang có phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật làm mùa. Tại đây, Bác đã nói chuyện với gần 1.000 cán bộ tỉnh, huyện, xã và các chiến sĩ nông nghiệp về sự quan trọng của vụ mùa; nhắc nhở mọi người quyết tâm thi đua sản xuất, phòng hạn, giữ đê phòng lụt. Dịp này, Bác đã tới thăm một số gia đình ở xã Yên Tiến, thăm cánh đồng xóm Đông Hưng.

Nhiều bài dự thi được Ban tổ chức đánh giá tác giả có sự đầu tư công phu cả về hình thức và nội dung, thể hiện tình cảm sâu nặng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lần thứ tư, vào ngày 15/3/1959, Bác về thăm lại Nhà máy Dệt Nam Định. Cùng ngày, tại Quảng trường Hòa Bình, TP Nam Định, Bác đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong bối cảnh khi đó sản xuất nông nghiệp ở địa phương đang gặp hạn hán. Bác cổ vũ, động viên nhân dân trong tỉnh chống hạn nhưng đồng thời phải có kế hoạch phòng úng. Bác nhấn mạnh:“Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy phải chống tư tưởng bảo thủ, tư tưởng mệt mỏi, tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm và quyết tâm nữa, quyết tâm mãi làm cho đến thắng lợi”.

Lần thứ 5, vào ngày 21/5/1963, lần cuối cùng Bác về thăm Nam Định, dự và huấn thị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V (tại Hội trường Nhà máy Dệt Nam Định). Ngày hôm sau, 22/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi nói chuyện với 5 vạn cán bộ, nhân tỉnh Nam Định trong buổi mít tinh chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơn 280 nghìn bài thi viết 'Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO