Chiều 7/12, Tòa án Nhân dân (TAND) TP HCM đã hoàn tất các khâu chuẩn bị, trong đó có dựng một rạp lớn (có mái che) ngay trước sân tòa án để phục vụ hơn 4.300 bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tham dự phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Theo thông tin mới nhất được tòa cho biết, sẽ có hơn 4.300 bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tham dự phiên tòa.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong gần một tháng (8/12/2022-6/1/2023), do thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa. Bên cạnh đó, đại diện Viện KSND TP HCM sẽ có 3 kiểm sát viên tham dự phiên tòa, bao gồm các kiểm sát viên Lê Thị Đông, Phạm Văn Hiền và Châu Hoàng Sơn.
Do số lượng người tham gia tố tụng rất lớn nên TAND TPHCM đã đề nghị các bị hại đến dự phiên tòa theo đúng dự án (bị lừa đảo) và thời gian như tòa đã phân bổ (khi đi đem theo phiếu thu, hợp đồng chuyển nhượng và giấy tờ tùy thân).
Tòa cũng đã chuẩn bị 03 nhà bạt và 01 màn hình hình LED lắp đặt hoàn thiện tại sân tòa án với sức chứa lên đến khoảng 2.000 người. Ngoài ra là những người tham dự trực tiếp tại phòng xử án.
Để đảm bảo an ninh trật tự phiên tòa, sẽ có khoảng 200 người, là lực lượng cảnh sát tư pháp, cảnh sát PCCC, bảo vệ, y tế của Trung tâm 115 tham gia quá trình phiên tòa trong gần một tháng diễn ra xét xử.
Đối với các bị cáo được triệu tập, ngoài bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba, là chủ mưu) còn có các đồng phạm tích cực của vụ án, gồm bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực (em ruột của bị cáo Luyện); Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (Phó Tổng Giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba); Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó Tổng Giám đốc phụ trách đào tạo của Công ty Alibaba) cùng 17 đồng phạm bị xét xử về 02 tội danh, là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba bị cáo buộc vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo thành lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên nhằm mục đích thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp ở các địa phương.
Sau đó, bị cáo Luyện giao cho người thân, là các bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực trực tiếp đứng tên và xây dựng chiến lược marketing đối với 58 dự án "ma" hoàn toàn chưa thực hiện các thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… Thực tế, hầu hết các dự án đều là đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Alibaba quảng cáo.
Các bị cáo bằng nhiều chiêu trò quảng cáo, marketing đất nền dự án có sổ để lừa bán cho hàng ngàn nạn nhân. Theo xác định của cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm đã lừa đảo nhiều bị hại để chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 2.260 tỷ đồng.
Như đã thông tin, vào ngày 12/8 vừa qua TAND TP HCM từng lên lịch xét xử vụ án. Sau đó, tòa án đã ra quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND TP HCM để đề nghị điều tra bổ sung.