Phải nói ai đến Ninh Bình cũng nhớ đến câu ca: “Đất Ninh Bình có chùa Non Nước/ Núi Phi Diên, Hồi Hạc xung quanh/ Em về em chớ quên anh”. Chùa Non nước nằm chân núi Dục Thúy (núi Thúy) và là dấu ấn tại ngã ba sông Vân và sông Đáy. Dục Thúy sơn cao chừng 100 mét còn được gọi là Non Nước. Núi như một nốt nhạc mơ mộng cất lên từ đầu nguồn miền cố đô Hoa Lư. Quanh năm cây cối xanh tươi rủ bóng xuống dòng sông trôi ra biển Đông.
Những bài thơ khắc ghi trên núi đá
Người ta thường ví núi Thúy là bảo tàng thơ đá. Đó là những di sản để lại của những thi nhân đã cảm tác khi bước chân lên đỉnh núi và dâng hương bên chùa Non Nước. Họ về đây làm thơ vì thấy tâm hồn được thanh thản và vui thú với non sông gấm vóc quê nhà. Ngọn núi thơ này đã được danh nhân Trương Hán Siêu đặt tên là Dục Thúy. Ông sinh ra ở Yên Mô, Ninh Bình và là một danh tướng văn võ song toàn được trọng dụng qua bốn đời triều nhà Trần (từ năm 1239 đến khi mất 1354). Nhà thơ mường tượng ngọn núi có hình con chim Trả đang tắm bên sông nên đã đặt tên núi là Dục Thúy. Núi đá có hình cái mỏ chim đang cúi xuống dòng nước vui đùa. Cách đây 700 năm, nhà thơ Trương Hán Siêu đã mở đầu bài thơ “Dục Thúy sơn khắc thạch” được khắc trên vách núi. Từ đó Núi Thúy thường ghi dấu những cái tên lừng danh của bao triều đại. Trên núi đã khắc những cảm tác của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Thiệu Trị, Tự Đức, Ngô Thì Sỹ hay Ngô Thì Nhậm cùng với Lê Hiển Tông... Còn nữa, ở một vách núi khác người đọc còn thấy cả những bút danh Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Khuyến, Ninh Tốn hay Cao Bá Quát...
Trên đỉnh núi Thúy có một khoảng rộng khá phẳng còn lưu dấu lầu Nghinh phong do Trương Hán Siêu xây. Lầu là nơi để tao nhân mặc khách ngồi nghỉ ngơi hóng gió ngắm sông và thuyền bè đi lại. Nghinh phong cũng là nơi đàm đạo văn chương mỗi khi các thi nhân gặp mặt. Họ làm thơ rồi chọn những bài hay cho thợ khắc lên vách núi. Để đọc những bài thơ du khách có khi thong dong bước trên bậc đá lên núi lại có khi phải cheo leo lưng chừng vách núi. Cho dù bão tố phong ba, nắng mưa năm tháng và kể cả chiến tranh tàn phá, những bài thơ hàng trăm năm vẫn còn nguyên nét chữ sâu nặng ân tình. Mỗi câu thơ trên núi hiện ra trong cảnh sắc huyền ảo sông nước và chim hót ríu ran. Đồng thời đó cũng là những tâm sự về sự biến động đổi thay của thời thế. Các thi nhân đã mượn cảnh sinh tình gửi gấm những nỗi niềm cảm thương non nước. Sinh thời nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch bài thơ của thi hào Nguyễn Trãi. Đó là hồn thơ đưa ta vào cõi tiên, rằng: “Cửa biển có non tiên/ Từng qua lại mấy phen/ Cảnh tiên nơi cõi tục/ Mặt nước nổi hoa sen...”. Riêng bài thơ của Trương Hán Siêu lại ẩn ức tâm can: “Non xanh xanh vẫn như xưa/ Du nhân đi mãi mà chưa thấy về/ Song in bóng tháp Bồ Đề/ Mở toang cửa động liền kề chân mây...” (theo bản dịch của Trần Văn Giáp).
Thơ của Trương Hán Siêu còn được khắc ghi trong dân gian với bản trường ca “Bạch Đằng giang phú”. Đây là bản hùng ca sáng láng thời Trần. Tác phẩm tôn vinh đại thắng của dân tộc ta khi đánh tan giặc phương bắc và đuổi chúng về nước. Phía nam chân núi Thúy có đền thờ Trương Hán Siêu. Những áng thơ luôn ngân vang như lời hịch non sông: “Sông Đằng một dải dài ghê/ Sông Hồng cuồn cuộn trôi về biển Đông/ Những phường bất nghĩa tiêu vong/ Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh...”. Nhà thơ có thói quen trồng hoa cúc trên núi Thúy. Những vần thơ hay về hoa cúc của ông cũng đã được khắc ghi: “Trời thu lắm gió lại nhiều mưa/ Khóm trĩu ho thu thật chẳng ngờ/ Tạo hóa phải chăng thương quạnh vắng/ Danh bông hoa lạnh tặng già nua” (Theo bản dịch Đào Phương Bình).
Vẫn còn đó những bài thơ lịch sử
Nay trên đỉnh núi Thúy vẫn còn dấu tích của một lô cốt giặc Pháp đã tồn tại hơn trăm năm qua. Nó minh chứng cho những chiến công mà quân và dân ta kiên cường chống Pháp. Khi xâm lược nước ta, quân đội Pháp coi núi Thúy là tiền tiêu cai quản cả đường bộ và đường thủy trên trục đường số 1. Chúng cho xây đồn bốt quanh chân núi và đóng quân dưới bãi sông.
Hiện trước nghinh phong quán có một bức tượng anh hùng Lương Văn Tụy (1914-1932). Anh là một chiến sĩ trẻ sớm tham gia cách mạng. Phía sau bức tượng là ngọn cờ búa liềm sừng sững giữa trời cao. Đó là biểu tượng cho hình ảnh anh hùng Lương Văn Tụy đã cắm cờ trên đỉnh núi Thúy trong một trận đánh Pháp. Ít ngày sau đó giặc Pháp cho lùng bắt được chiến sĩ Lương Văn Tụy đem ra xử án. Nhưng vì ở tuổi vị thanh niên nên anh chỉ bị đầy ra Côn Đảo (4/1930). Sau đó anh hy sinh trong một chuyến vượt ngục trên biển vào năm 1932. Anh hùng Lương Văn Tụy khi đó vừa tròn 18 tuổi. Để tưởng nhớ người anh hùng trẻ tuổi thành phố Ninh Bình đã lấy tên anh đặt cho đường phố và dựng tượng trên núi Thúy. Hình tượng tiêu biểu đúng như những dòng thơ để lại: “Lộng gió biển đông cờ bay bất tử/ Lịch sử anh hùng sáng mãi ngàn năm”.
Sau đó, quân đội ta mở chiến dịch mang tên Quang Trung (1951) chủ động tấn công và tiêu diệt giặc Pháp. Những đồn bốt chung quanh núi Thúy là một trong những mục tiêu tấn công. Đại đội trưởng Giáp Văn Khương phụ trách mũi tiến công chính diện. Trong thời gian ngắn những đồn bốt dưới chân núi bị tiêu diệt, Giáp Văn Khương dẫn đội quân xung kích tiến lên núi tấn công đồn trên đỉnh núi. Đây là chiến công bất ngờ chỉ trong một đêm đại đội Giáp Văn Khương đã tiêu diệt được 200 tên giặc và phá tan 6 đồn bốt trên núi Thúy. Nhưng sáng hôm sau giặc Pháp huy động trung đoàn tấn công chiếm lại đỉnh núi Thúy.
Biết trước tình hình, đại đội trưởng Giáp Văn Khương lệnh cho các chiến sĩ rút về căn cứ rồi một mình với cây súng trong tay ở lại chiến đấu. Lực lượng chênh lệch. Với vũ khí tối tân và quân số đông chúng bao vây và tiến dần lên đỉnh núi hòng bắt sống đại đội trưởng Giáp Văn Khương. Chúng dàn hàng ngang tiến lên. Giáp Văn Khương bắn những viên đạn cuối cùng rồi quyết định nhảy qua những vách đá bay xuống dòng sông Vân. Giặc Pháp quá bất ngờ về người anh hùng quả cảm này. Chúng nhìn xuống dòng sông hun hút trong gió lộng ào ạt từ biển thổi về mà kinh hồn khiếp vía.
Những lời thơ hào sảng đầy khí phách của các chiến sĩ đã được khắc ghi trong lịch sử chiến tranh. Đó là một dấu ấn huy hoàng trên núi Thúy khi được viết lên những câu thơ: “Đồn Non Nước chọc trời ngạo nghễ/ Giặc huênh hoang, không sức nào có thể/ Chúng ngờ đâu gặp đối thủ kiên cường/ Cây súng tung hoành của Giáp Văn Khương/ Làm kể địch kinh hoàng bạt vía...”. Anh hùng Giáp Văn Khương đã ghi chiến công cho chiến dịch, chuẩn bị cho mặt trận Điện Biên Phủ triển khai và tiến tới chiến thắng lừng lẫy khắp bốn biển năm châu (1954).
Bến sông năm ấy ngàn năm mộng
Ngôi đền thờ Trương Hán Siêu ở dưới chân núi Thúy còn lưu giữ không ít tác phẩm văn chương của ông. Có thể nói đền và núi Thúy được coi là một kho báu thi ca cổ. Đồng thời danh nhân Trương Hán Siêu được đặt tên cho hàng chục đường phố trên các tỉnh thành trên cả nước. Hiện có tới 20 địa phương lập đền thờ ông. Trương Hán Siêu trở thành biểu tượng văn học của Ninh Bình. Giải thưởng văn học mang tên ông thường 5 năm một lần được trao tại đây.
Dục Thúy sơn là một trong “Tứ đại danh sơn” của vùng đất Ninh Bình. Bên cạnh đó còn các núi Kỳ Lân, Núi Lớ và Ngọc Mỹ Nhân. Nhưng núi Thúy được đánh giá cao hơn cả ở vị trí ngã ba sông và ẩn chứa 40 cổ thi khắc đá. Phong cảnh dạt dào thơ mộng của núi Thúy đã được Nguyễn Trãi ví von: “Bóng tháp hình trâm ngọc/ Gương soi ánh tóc huyền”. Giờ đây nếu ai đến bến sông ắt sẽ được nghe câu hò vọng lên từ ngọn sóng sông Vân: “Ai về qua đất Ninh Bình/ Mà xem phong cảnh hữu tình nên thơ/ Nước non, non nước như mơ/ Càng nhìn Dục Thúy càng ngơ ngần lòng”...