Tại giải vô địch Thể dục dụng cụ (TDDC) thế giới 2017 ở Montreal (Canada), Phạm Phước Hưng đã thực hiện động tác vòng treo có độ khó cấp E và được ghi danh vào sách luật TDDC thế giới. Đây là lần thứ 2 “chàng trai vàng” Phạm Phước Hưng ghi dấu ấn của mình. Động tác rất khó và lần đầu tiên được biểu diễn đó đã được Liên đoàn TDDC thế giới ghi vào sách kỹ thuật, với cái tên rất Việt Nam: “Động tác PHẠM”. Đằng sau những phát minh có một không hai này, là những câu chuyện thú vị mà Hưng ít khi chia
VĐV Phạm Phước Hưng.
Hành trình chiến thắng bệnh lao xương
- Không chỉ tài năng, đẹp trai mà Hưng còn để lại hình ảnh rất đẹp với người hâm mộ về hành trình chiến thắng bệnh tật. Hưng có thể chia sẻ về khoảng thời gian mình đã suýt phải giải nghệ vì căn bệnh lao xương quái ác?
Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên cái cảm giác đau đớn và mất hết niềm tin khi dính căn bệnh lao xương sau SEA Games 23 năm 2005. Đó thực sự là một biến cố lớn nhất trong sự nghiệp và cả cuộc đời mình. Bệnh lao xương đã khiến cột sống của tôi bị ăn mòn đến hai đốt. Các bác sĩ đều khuyên tôi giải nghệ bởi dù tôi có khỏi bệnh thì cũng khó có thể tiếp tục tập luyện và thi đấu. Chẳng ai tin tôi có thể trở lại sàn đấu với một căn bệnh như án tử với đời VĐV, nhưng tôi đã làm được điều kỳ diệu đó.
-Bằng nghị lực, dũng cảm, phi thường, một người tưởng suýt thành tàn phế giờ đây là một VĐV nổi danh với nhiều chiến tích huy hoàng. Động lực nào giúp Hưng chiến thắng được bệnh tật để bước lên đỉnh cao như hôm nay?
Đến lúc bị bệnh và phải nằm nhà tôi mới thấy TDDC đúng là lựa chọn của đời mình và tôi không thể nào từ bỏ môn này. Tôi lấy chính các động tác của TDDC để chữa bệnh cho bản thân mình. Ban đầu là những động tác vận động nhẹ, sau phức tạp hơn để giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh. Hành trình ấy kéo dài cả một năm, đến lúc này tôi không nghĩ mình có thể kiên trì như vậy.
Có trải qua gian nan, thử thách mới biết sức và ý chí của mình đến đâu. Tôi luôn tâm niệm rằng thể thao không chỉ là thi đấu, mà còn là vượt lên chính mình, không ngừng học hỏi, sáng tạo.
Động tác mang tên Phạm Phước Hưng
-Cả quá trình hơn chục năm thi đấu đỉnh cao, Hưng luôn nổi bật ở nội dung xà kép. Nhưng ở giải vô địch thế giới năm 2015 tại Scotland, Hưng đã buộc giới chuyên môn phải nhắc đến mình ở nội dung vòng treo với động tác chưa từng có VĐV nào thực hiện trước đó. Hưng có thể chia sẻ về động tác “lạ” này?
Đây là động tác mà tôi đã nghĩ ra từ lâu trong quá trình tập luyện của mình ở nội dung vòng treo, nhưng chưa từng áp dụng ở một giải chính thức. Tại giải vô địch thế giới vừa qua, tôi mạnh dạn thực hiện động tác do chính mình nghĩ ra này. Động tác đòi hỏi nhiều sức mạnh hơn các động tác trước đây nên đương nhiên độ khó lớn hơn. Tôi đã chinh phục được sự khó tính của các trọng tài, được ghi danh trong sách kỹ thuật của Liên đoàn TDDC thế giới, với động tác mang tên Phạm Phước Hưng, độ khó ở mức D.
-Còn tại giải vô địch thế giới 2017 vừa diễn ra tại Montreal (Canada), Hưng một lần nữa “khai sinh” động tác mang tên mình. Cảm giác của Hưng lần này thế nào?
Rất tuyệt vời. Lần này là động tác của tôi với độ khó E cao hơn đợt trước. Tôi rất tự hào khi một lần nữa có động tác mang tên PHẠM được ghi danh vào sách luật TDDC thế giới. Cả đời thi đấu giành nhiều huy chương, các VĐV TDDC như tôi cũng chỉ mong có một phát minh động tác mới. Đó cũng là một dấu ấn trong sự nghiệp và được cả thế giớ biết đến. Ở một khía cạnh nào đó, hình ảnh Việt Nam cũng sẽ xuất hiện trên đấu trường quốc tế mỗi khi có VĐV thực hiện động tác Phạm Phước Hưng.
-VĐV Việt Nam vốn rất cần cù, thông minh. Hưng có nghĩ rằng sau “phát minh” của mình, sẽ còn nhiều VĐV sáng tạo ra các động tác mới?
Thực ra ngoài việc tập trung thi đấu, tôi rất thích tìm tòi, sáng tạo để tìm ra những động tác mới lạ trong TDDC. Nếu không có sáng tạo, các VĐV sẽ dễ tập luyện theo khuôn mẫu, quá khó bắt kịp được xu hướng của thế giới.
-TDDC là môn thực sự khắc nghiệt và đó cũng là lý do không phải ai cũng theo được môn này?
Đúng vậy. TDDC đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về phát triển thể chất đề ra trong đó gồm có 5 tố chất bao gồm: nhanh, mạnh, bền, mềm dẻo và khéo léo... khó có bộ môn nào có thể phát triển các tố chất này một cách đồng đều nhất. Vì khắc nghiệt mà ngày càng ít VĐV theo TDDC.
-Phước Hưng thấy mình được gì và mất gì khi theo nghiệp TDDC đến tận bây giờ?
Tôi thấy mình được nhiều thứ lắm, như TDDC giúp tôi có được tính kiên trì. Vì kiên trì mà tôi chiến thắng bệnh tật, kiên trì giúp tôi không ngừng sáng tạo và yêu cuộc sống. Được nhiều từ TDDC, nên tôi không nghĩ mình mất gì quá lớn với môn thể thao này.
Cảm ơn Phước Hưng!