Sau lệnh cấm, Huawei lập tức huỷ các cuộc họp quan trọng, yêu cầu nhân viên quốc tịch Mỹ rời trụ sở ở Trung Quốc về nước.
Huawei tự cô lập mình với Mỹ để tránh vi phạm lệnh cấm vận thương mại.
Dang Wenshua, kiến trúc chiến lược trưởng của Huawei, tiết lộ các nhân viên người Mỹ đang làm việc bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei đã trở về Mỹ từ hai tuần trước, ngay sau khi chính phủ đưa tập đoàn Trung Quốc và danh sách đen, cấm giao dịch thương mại.
Theo ông Dang, chính Huawei đã yêu cầu những nhân viên này phải rời khỏi trụ sở chính ở Thâm Quyền, sau khi nhận thông báo cấm vận từ chính quyền của Tổng thống Trump. Thậm chí, một cuộc họp quan trọng diễn ra lúc đó cũng bị huỷ bỏ và những người có quốc tịch Mỹ được yêu cầu cất máy tính, ngắt kết nối và rời khỏi văn phòng của Huawei. Sau đó, những du khách tới thăm quan trụ sở chính của công ty Trung Quốc cũng bị kiểm tra an ninh để đảm bảo không mang hộ chiếu Mỹ.
Tiết lộ từ vị lãnh đạo trên cho thấy Huawei có phản ứng ngay lập tức với yêu cầu của chính phủ Mỹ nhằm tránh vi phạm. Theo lệnh cấm vận thương mại, các công ty của Mỹ không được phép bán, trao đổi sản phẩm, công nghệ Mỹ cho Huawei mà không có giấy phép của chính phủ.
Eric Crusius, đối tác của công ty luật Holland & Knight cho rằng không thể ước lượng được những khó khăn mà Huawei phải đối mặt khi vướng vào cấm vận thương mại này. Việc ngừng liên lạc giữa công ty với nhân viên, văn phòng Mỹ sẽ làm cho họ bị cô lập với phần còn lại của thế giới và điều này không hề tốt.
Huawei đang bị Mỹ cáo buộc đánh cắp công nghệ, giao dịch ngầm với Iran và là công cụ thu thập dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, các lãnh đạo của hãng cho rằng họ bị đưa vào danh sách đen vì phía Mỹ muốn kìm hãm sự phát triển công nghệ gần đây. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc đang được cho là đi đầu về công nghệ 5G.
Ngày 15/5, bộ thương mại Mỹ đưa Huawei và 68 chi nhánh vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Lần lượt các hãng lớn như Google, Microsoft, Intel, Qualcomm, Xilinx, ARM...tuyên bố ngừng hợp tác kinh doanh với Huawei. Sau đó, Mỹ đã có nới lỏng thời hạn thi hành lệnh cấm thêm 90 ngày.