Những năm gần đây, tình trạng vỡ hụi với số tiền “khủng” hàng chục tỷ đồng liên tiếp xảy ra ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); khiến nhiều vùng quê náo loạn.
Xóm nghèo náo động
Đầu tháng 7, 15 hộ dân ngụ xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đồng loạt gửi đơn lên cơ quan chức năng tố chủ hụi ở địa phương chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng tiền hụi, hiện cơ quan Công an của tỉnh này đang thụ lý và điều tra.
Một trong số những nạn nhân này cho biết, từ năm 2017, bà và nhiều người khác tham gia chơi hụi của vợ chồng bà Trí (tại địa chỉ trên) làm chủ. Thời gian đầu vợ chồng này làm ăn uy tín, đến khoảng tháng 4/2020, liên tiếp khất lần khất lựa và không trả tiền cho những người chơi.
Tìm hiểu mới biết vợ chồng nhà này đã có nhiều cách làm gian dối để chiếm đoạt tiền của hụi viên. Cũng theo lời tố của 15 hộ dân này thì ngoài số tiền hụi họ bị giật còn tiền các người chơi khác lên đến hàng tỉ đồng.
Sau khi tuyên bố vỡ hụi, các hụi viên vẫn bắt gặp vợ chồng nhà này nhưng không dám làm gì vì sợ vi phạm pháp luật, trong khi nhiều hộ dân đứng ngồi không yên vì có người phải mượn tiền nơi khác để đóng hụi.
Trước đó, giữa tháng 6, vùng quê yên ả ở khu vực chợ Rạch Ráng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau náo loạn khi hàng chục hộ dân tại khu vực chợ bỗng lâm vào cảnh điêu đứng vì chủ hụi tuyên bố vỡ hụi. Các hụi viên chủ yếu là tiểu thương, buôn bán nhỏ quanh khu vực trên.
Cơ quan Công an đã vào cuộc khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 2 mẹ con chủ hụi Phạm Thị Tú (con) và Tiền Bảo Châu.
Các nạn nhân cho biết, thời gian đầu mẹ con bà Châu và Tú chung chi đàng hoàng, ngoài ra họ còn tạo cho mình một vỏ bọc khá giả, vì vậy số người tham gia chơi hụi ngày càng nhiều. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, mẹ con chủ hụi tuyên bố vỡ hụi và tắt điện thoại, khiến mọi người ngơ ngác.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau, từ khoảng tháng 2/2017 đến ngày cuối tháng 9/2019, Tú và Châu tổ chức 20 dây hụi; thực hiện hành vi gian dối để tên hụi khống vào danh sách, để bỏ thăm hốt hụi chiếm đoạt tiền của các hụi viên khác, để tiêu xài cá nhân. Kết quả điều tra ban đầu, số tiền mà 2 mẹ con Tú và Châu chiếm đoạt trên 6 tỷ đồng.
Xóm lao động nghèo ở khóm Đông Bình B, phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long mới đây cũng bất ngờ trước thông tin bà N.T.T. (50 tuổi), chủ hụi khóa cửa bỏ đi biệt tích. Bà T. là chủ khoảng 20 dây hụi, có rất nhiều người tham gia và chủ yếu là dân lao động. Số tiền người dân đóng cho bà T. lên đến gần tỷ đồng. Hiện Công an tỉnh Vĩnh Long đã vào cuộc.
Điều đáng phản ánh mặc dù chính quyền địa phương và báo chí nhiều lần cảnh báo về những hậu quả từ việc vỡ hụi, nhưng đâu vẫn vào đấy.
Trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương
Theo Thượng tá Phạm Quốc Anh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ, từ năm 2018 tới nay, Phòng CSHS Công an TP Cần Thơ đã thụ lý điều tra 5 vụ tố giác tội phạm về việc tổ chức chơi hụi với số lượng hụi viên tham gia rất nhiều và số tiền tố giác bị chiếm đoạt rất lớn. Trong đó có 1 vụ đã kết thúc điều tra, chủ hụi bị xử phạt 18 năm tù giam, số tiền chiếm đoạt trên 3,7 tỷ đồng; 2 vụ đã khởi tố vụ án với số tiền chiếm đoạt 5 tỷ đồng, hiện đang xác minh làm rõ 2 vụ.
Thượng tá Anh cho biết thêm: thời gian qua việc tổ chức chơi hụi của các chủ hụi, việc tham gia các hụi viên và việc quản lý của chính quyền địa phương chưa thực hiện chặt chẽ theo quy định. Cụ thể: Chủ hụi không thông báo với UBND cấp xã, phường nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi có giá trị một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên theo quy định NĐ19 của Chính phủ; không thực hiện ký tên, điểm chỉ cho các hụi viên mỗi kỳ góp hụi, lãnh hụi…
Vì vậy chủ hụi dễ dàng dùng thủ đoạn gian dối như lấy phần hụi của hội viên để bán cho người khác, lấy tên của hụi viên để hốt hoặc lập các dây hụi ảo để chiếm đoạt…
Theo Thượng tá Anh, chính quyền địa phương cụ thể là UBND xã, phường cần quản lý chặt việc tổ chức chơi hụi. Trên thực tế, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố hàng loạt vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự nhiều chủ hụi có dấu hiệu gian dối, chiếm đoạt tài sản. Nhiều vụ thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng nhưng không thể thu hồi được, thiệt thòi vẫn là hụi viên.
Và cũng thật đáng tiếc khi không phải trường hợp vỡ hụi nào cũng có thể xử lý hình sự. Trước khi tuyên bố vỡ hụi, các chủ hụi âm thầm tẩu tán tài sản bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản sang cho người khác. Chủ hụi thừa nhận nợ, không bỏ trốn khỏi địa phương, cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc bể hụi sau đó được giải quyết bằng vụ án tranh chấp dân sự.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng (Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia hụi, tranh chấp đó được giải quyết tại Toà án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Theo quy định này, nếu vỡ hụi mà chủ hụi không chịu trả số tiền trên thì trước tiên các bên có thể thương lượng, hòa giải lại với nhau, nếu không thương lượng hòa giải không thành thì một hoặc nhiều người tham gia họ có thể khởi kiện đến TAND để giải quyết tranh chấp.
Nếu như chủ hụi mà có các hành vi bỏ trốn, gian dối để chiếm đoạt tài sản, hoặc sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không còn khả năng chi trả thì có thể bị truy tố theo quy định tại Điều 175 BLHS 2015 quy định về “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tuỳ vào mức độ nặng nhẹ có thể bị kết án từ 6 tháng đến 20 năm tù…