Đại diện Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) vừa có buổi làm việc với đại diện UBND TP Cần Thơ về đề xuất “Hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (NAMA) trong vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Hệ thống xe buýt chạy bằng nhiên liệu diesel truyền thống tại TP Cần Thơ.
NAMA xe buýt cac-bon thấp là chương trình sáng tạo và mong muốn đưa Việt Nam lên vị thế dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về giao thông công cộng cac-bon thấp. Việt Nam sẽ có thể chỉ sử dụng các dòng xe buýt như: xe buýt điện, xe buýt lai, xe buýt sạc điện vào năm 2025 và đến năm 2030 sẽ thực sự có một đội xe buýt cac-bon thấp. NAMA sẽ được triển khai trong 2 giai đoạn, với giao đoạn 1 từ năm 2018 – 20121 tập trụng tại Hà Nội, Cần Thơ và Huế, giai đoạn 2 (2021 – 2030) sẽ được triển khai ở tất cả các thành phố lớn tại Việt Nam.
Ước tính ban đầu, hành động NAMA có thể cắt giảm lượng khí nhà kính lên đến 4 triệu tấn CO2 tới năm 2030. Bên cạnh đó còn làm giảm phát thải muội than, ô nhiễm dạng hạt, Ô-xít-ni-tơ và ô nhiễm tiếng ồn tại các thành phố. Trong khi đó, các loại xe buýt lai, xe buýt sạc điện và xe buýt điện theo đề xuất NAMA có thể tiết kiệm được ít nhất 25% nhiên liệu so với các xe sử dụng nhiên liệu dầu diesel truyền thống. Chi phí đầu tư thay thế các loại xe buýt truyền thống bằng xe buýt theo đề xuất NAMA tăng vào khoảng 35% - 60%. Đại diện KFW, ông Christian Haas cho biết, phía KFW sẽ cam kết hỗ trợ chi phí dư ra khi phải thay thế hệ thống xe buýt truyền thống bằng các loại xe buýt theo đề xuất NAMA. Bên cạnh đó, KFW sẽ cho vay khoảng 20 triệu USD, với lại suất 2,6% trong thời gian từ 12 đến 15 năm.
Để vận hành hệ thống xe buýt truyền thống, chúng ta cần khoảng 3,7 tỉ USD. Trong khi cả 2 giai đoạn, NAMA cần khoảng 4 tỉ USD, trong đó 2,4 tỉ USD là các khoản vay thương mại (chiếm 60%), 1,3 tỉ USD từ nguồn vốn chủ sở hữu (chiếm 32%) và 0,3 tỉ USD vốn viện trợ không hoàn lại (chiếm 8%).
Phó Chủ tịch TP Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng cho biết: Phía thành phố rất quan tâm đến đề xuất NAMA, vì đây là dự án rất phù hợp với định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng mà phía TP.Cần Thơ đang xây dựng. Vì nếu dự án được triển khai sẽ góp phần mở ra cơ hội tiếp cận các phương tiện vận tải hành khách thuận tiện, thông minh và thân thiện với môi trường. Đặc biệt là giảm một lượng lớn khí thải nhà kính.