Trước thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày một gia tăng, nhiều giải pháp cũng như công cụ đã được đưa ra để thúc đẩy nhằm nỗ lực tái chế, giảm lãng phí rác thải nhựa. Có thể kể đến giải pháp tín chỉ nhựa.
Thực trạng báo động
Theo số liệu từ Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trung bình mỗi năm người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó phần lớn là túi nilon. Mỗi hộ gia đình tiêu thụ khoảng 1kg túi nilon mỗi tháng và hơn 80% số túi này bị vứt bỏ ngay sau khi sử dụng một lần. Khối lượng chất thải nhựa và túi nilon này chiếm khoảng 8 - 12% tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ khoảng 11 - 12% trong số đó được thu gom và tái chế, phần còn lại chủ yếu bị chôn lấp, đốt hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Trong khi đó, theo ông Albert. Lieberg, Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) tại Việt Nam, thì Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương mỗi năm. Đáng chú ý, công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đây đã và đang là một thực trạng nhức nhối, bài toán nan giải cho các nhà quản trị vĩ mô, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và trên hết là người dân vì áp lực “chung sống với rác nhựa”.
Đối mặt với thực trạng nan giải này, nhiều chuyên gia môi trường chia sẻ, thay vì theo đuổi mô hình truyền thống “sản xuất - sử dụng - thải bỏ”, giải pháp kinh tế tuần hoàn nhựa sẽ hướng đến việc xây dựng một vòng tròn khép kín. Trong đó, rác thải nhựa sau khi sử dụng được thu gom, phân loại và tái chế thành các sản phẩm mới, giúp giảm thiểu lượng rác thải và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Để thực hiện hiệu quả mô hình này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị, từ nhà sản xuất, nhà bán lẻ, đơn vị thu gom, đơn vị tái chế, người tiêu dùng đến các cơ quan chính phủ. Mỗi bên đóng vai trò quan trọng, từ thiết kế sản phẩm dễ tái chế, tổ chức thu gom hiệu quả, đến việc ban hành chính sách hỗ trợ. Kinh tế tuần hoàn nhựa không chỉ là giải pháp để giảm thiểu rác thải mà còn mang lại giá trị bền vững, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh và bảo vệ môi trường sống.
Tín chỉ nhựa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh
Để thực hiện giải pháp kinh tế tuần hoàn nhựa, theo nhiều chuyên gia môi trường cần gắn với công cụ tín chỉ nhựa. Theo đó, tín chỉ nhựa (Plastic Credit) là một khái niệm tương tự tín chỉ carbon, được áp dụng như một công cụ tài chính giúp các công ty, cá nhân giảm thiểu lượng nhựa thải ra môi trường thông qua việc đầu tư vào các dự án thu gom, tái chế nhựa hoặc giảm thiểu nhựa rò rỉ ra thiên nhiên. Lợi ích từ việc tham gia dự án tín chỉ nhựa rất lớn. Đối với bên mua, ngoài thúc đẩy phát triển bền vững, còn có thể bù đắp cho lượng nhựa công ty sản xuất và đưa vào môi trường, tạo cơ hội cho công ty đạt được “trung hòa nhựa”. Đồng thời, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững cũng như tác động tích cực với cộng đồng địa phương. Còn đối với bên bán là những doanh nghiệp thu gom, xử lý và tái chế chất thải nhựa, họ cũng có cơ hội đạt được lợi ích kép (kinh tế, môi trường) từ việc tham gia dự án tín chỉ nhựa.
Về công cụ tín chỉ nhựa, TS Muthukumara S. Mani, chuyên gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tín chỉ nhựa không chỉ mang lại lợi ích tài chính cho các nhà đầu tư, mà còn hỗ trợ tài chính cho các dự án thu gom và tái chế nhựa tại các quốc gia như Ghana và Indonesia. Đây chính là một giải pháp tài chính giúp giảm tác động của rác thải nhựa lên môi trường bằng cách khuyến khích thu gom, tái chế và xử lý rác, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Còn theo ông Phạm Hồng Quân, sáng lập viên Rave To Net Zero, tín chỉ nhựa có thể là nguồn lực tài chính đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng thu gom và tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, nơi nguồn lực còn hạn chế. Các dự án tín chỉ nhựa có thể hỗ trợ người thu gom rác không chính thức, tăng sự chuyên nghiệp hóa công việc của họ, cải thiện điều kiện làm việc và tăng thu nhập, giúp cải thiện sinh kế cho các gia đình.
Ông Phạm Hồng Quân cho biết thêm, một tín chỉ nhựa đại diện cho 1 tấn nhựa thu gom hoặc tái chế cần được chứng nhận theo tiêu chuẩn nhựa, đảm bảo tính minh bạch và khả năng theo dõi. Bên cạnh đó, cần quy định rõ rằng chỉ các hoạt động vượt mức cơ sở (baseline) mới được tính, với cơ sở được đánh giá định kỳ, đảm bảo rằng tín chỉ nhựa chỉ được cấp cho các hoạt động có tác động thực sự.
Vẫn theo các chuyên gia môi trường, phần lớn nhựa thu gom hiện nay chỉ được đưa vào bãi chôn lấp hoặc đốt, gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Thông qua việc mua tín chỉ nhựa, các công ty có thể bù đắp cho lượng nhựa mà họ đã sản xuất hoặc tiêu thụ, từ đó giúp loại bỏ phần nào tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, tín chỉ nhựa có thể thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án quản lý rác thải nhựa, phù hợp với mục tiêu quốc gia về tái chế rác thải đô thị. Điều này giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh.