Xã Cư Drăm, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) có 6 thôn đồng bào dân tộc Mông. Những năm gần đây, bà con đã chuyển hướng trồng cây keo lai trên vùng đất cao, đất đồi dốc, đất sỏi, đất bạc màu, góp phần cải thiện cuộc sống, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
Năm 2015, xã Cư Drăm mới chỉ có hơn 20 ha cây keo lai, chủ yếu là của Công ty Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông. Từ năm 2016 đến nay, diện tích cây keo lai tính riêng của các hộ đồng bào Mông trồng đã lên đến gần 600 ha. Phần lớn đất trồng keo lai trước đây là đất rừng nghèo, đất đồi dốc, đất sỏi, trồng bắp không năng suất nên bà con chuyển đổi.
Thôn Yang Hăn có 69 hộ đồng bào Mông. Trước đây người dân chủ yếu trồng lúa nước, bắp lai, sắn, cà phê, trồng cỏ nuôi bò. Phần lớn diện tích đất canh tác của người dân trong thôn là đồi dốc, thiếu nước nên bà con trồng bắp lai và trồng sắn. Trồng nhiều năm đất bạc màu, kém hiệu quả nên hiện nay trong thôn đã có 38 hộ chuyển đổi một phần để trồng cây keo lai với diện tích khoảng 52 ha.
Anh Giàng Seo Sèo là người có diện tích cây keo lai lớn nhất thôn Yang Hăn với 15 ha. Năm 2018, gia đình anh Sèo bán cho tư thương tự khai thác 2 ha keo lai thu về 80 triệu đồng. Vừa qua anh bán 5 ha, trừ hết chi phí thu về 270 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Pao, Bí thư chi bộ thôn Yang Hăn cho biết: “Diện tích đất canh tác của thôn Yang Hăn tương đối hẹp. Bà con trong thôn đã tận dụng hết diện tích đất để trồng các loại cây như cà phê, bắp lai, lúa nước. 5 năm trở lại đây, thấy trồng cây keo lai mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đất dốc, đất bạc màu nên nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích bắp lai và sắn kém hiệu quả sang trồng cây keo lai. Bước đầu cho thấy cây keo lai đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng bắp lai hay trồng sắn”.
Theo phong trào, nhiều hộ đồng bào Mông ở thôn Ea Hăn cũng đầu tư trồng cây keo lai. Hiện nay thôn có hơn 100 hộ trồng với diện tích 95 ha, trong đó có hơn 20 ha keo lai cho khai thác lần đầu. Hiệu quả của việc trồng cây keo lai trên vùng đất dốc trong những năm qua khiến cho người dân trong thôn tận dụng hết diện tích đất có độ dốc cao, hoặc diện tích đất trồng các loại cây khác không hiệu quả chuyển sang trồng cây keo lai.
Cây keo lai dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bón phân, phù hợp với trình độ canh tác của người dân. Ở thời điểm này có thể xem keo lai là cây giúp hàng trăm hộ đồng bào Mông ở xã Cư Drăm thoát nghèo. Song nếu địa phương không quy hoạch, thiếu sự quản lý để người dân trồng một cách tự phát, không tổ chức tập huấn về phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân sẽ dễ dẫn đến một số nguy cơ, hệ lụy.