Việc sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giúp cải cách mạnh hệ thống dạy nghề, nội dung này đang nhận được sự quan tâm của cả người học và các chuyên gia. Kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới cho phân luồng và phát triển kỹ năng từ sớm, song nhiều ý kiến cho rằng, cần một thiết kế mới cho phân luồng sao cho rõ ràng và bình đẳng.
Mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở GDNN
Dự thảo Luật GDNN (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mang tính cải cách, nổi bật là việc công nhận chương trình trung học nghề – mô hình tích hợp giữa kiến thức văn hóa phổ thông và kỹ năng nghề nghiệp dành cho học sinh sau THCS.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hương- Phó Cục trưởng Cục GDNN và Giáo dục thường xuyên (Bộ GDĐT), dự thảo bổ sung nhiều nội dung mang tính cải cách, trong đó nổi bật là việc công nhận chương trình trung học nghề – mô hình tích hợp giữa kiến thức văn hóa phổ thông và kỹ năng nghề nghiệp dành cho học sinh sau THCS.
Đặc biệt, nhiều quy định đã được điều chỉnh, rút gọn hoặc chuyển sang các luật liên quan nhằm giảm trùng lặp và thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động GDNN.
Những ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật GDNN thời gian qua cũng bày tỏ quan điểm, mô hình trung học nghề nếu triển khai phù hợp sẽ tạo điều kiện để các em vừa có nền tảng văn hóa, vừa phát triển năng khiếu chuyên môn một cách bài bản.
Trung học nghề sẽ là lựa chọn chính sau lớp 9
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn đã chủ trì phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực góp ý về dự thảo Luật GDNN (sửa đổi).
Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất tại phiên họp là việc đưa mô hình trung học nghề vào dự thảo Luật. TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nhận định: Dự thảo có nhiều điểm đột phá, trong đó chương trình trung học nghề là bước tiến lớn, vừa góp phần phân luồng hiệu quả, vừa mở rộng cơ hội học tập cho học sinh sau THCS. Tuy nhiên, ông Lê Trường Tùng cũng bày tỏ băn khoăn khi chương trình trung học nghề được quy định tương đương THPT về văn bằng, nhưng không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Điều này, theo ông, cần được cân nhắc để bảo đảm sự công bằng và tính thống nhất giữa các hệ đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đánh giá: Mô hình trung học nghề có thể giúp gỡ điểm nghẽn về phân luồng và liên thông, nhưng cần xác định rõ việc sẽ xây mới hay chuyển đổi các trường trung cấp hiện có. Việc triển khai phải được chuẩn bị đồng bộ về chương trình, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Trên thực tế, từ lâu chương trình trung cấp nghề dành cho học sinh sau lớp 9 vẫn là điều băn khoăn trong phân luồng giáo dục. Vừa học nghề, vừa học bổ túc văn hoá, nhưng lại học ở hai nơi; cùng với đó việc học nghề cũng khiến học sinh cảm thấy mình được trân trọng như người học chính quy. Giờ đây, một cái tên mới là “trung học nghề” được đưa ra với kỳ vọng sẽ xoá bỏ cảm giác “học tắt”, và thay vào đó là một mô hình tích hợp, chính danh. Bà Nguyễn Mai Hoa nêu quan điểm, liệu chỉ cần thay tên là đủ? 400 trường trung cấp hiện có sẽ chuyển sang mô hình mới ra sao? Có kịp chuẩn bị về chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất để vận hành từ đầu năm 2026 như luật dự kiến. Theo đó, nếu không có lộ trình rõ ràng, chỉ vài tháng sau khi Quốc hội bấm nút thông qua, hệ thống sẽ lúng túng. Và lúc đó, người học vẫn là đối tượng phải chịu thiệt đầu tiên.
Đại diện Ban soạn thảo, ông Trương Anh Dũng - Cục trưởng Cục GDNN và Giáo dục thường xuyên (Bộ GDĐT) khẳng định, dự thảo lần này sẽ sắp xếp lại hệ thống trình độ gồm sơ cấp, trung cấp, trung học nghề và CĐ, nhằm khắc phục tình trạng nhập nhèm giữa các mô hình cũ. “Trung học nghề” sẽ là lựa chọn chính sau lớp 9, còn “trung cấp” chỉ dành cho người đã tốt nghiệp THPT.
Cùng đó, để đảm bảo đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2025, cuối tuần qua Bộ GDĐT đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến các chuyên gia thuộc Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, nhằm chuẩn bị hồ sơ trình Bộ Tư pháp thẩm định nội dung Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) và dự án Luật GDNN (sửa đổi).
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khuyến nghị, cần phân định rõ giữa các loại hình đào tạo cấp bằng (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) và các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, chứng chỉ để có phương thức quản lý phù hợp. Đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc phối hợp với cơ sở giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sử dụng lao động thực tế.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, cần làm rõ GDNN chỉ bao gồm các trình độ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân như sơ cấp, trung cấp, trung học nghề và cao đẳng. Những hình thức đào tạo nghề do doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cung cấp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, bởi nhà nước không thể quản lý toàn bộ các mô hình dạy nghề ngoài hệ thống.