Các bậc cha mẹ, dù rất thành công và có địa vị trong xã hội, đều phải cân nhắc và quyết định nên để con theo đuổi lĩnh vực, nghề nghiệp gì.
Con nên kế thừa sản nghiệp của cha mẹ? Con nên theo đuổi lĩnh vực mà nhiều thế hệ trong gia đình đã rất thành công? Hay con có thể tự lựa chọn con đường riêng, theo đuổi những ngành nghề mới lạ của thời đại 4.0?
Những nội dung trên vừa được ông Nguyễn Chí Hiếu,Tiến sĩ Kinh tế Stanford, Giám đốc học thuật Trường PTLC Olympia chia sẻ tại Talkshow “Hướng nghiệp cho con trong thế giới biến động: Kế nghiệp hay lập nghiệp?”.
Theo các chuyên gia giáo dục, các kỹ năng cần có trong thời đại 4.0 để “trụ vững” trước máy móc là: Các thao tác tinh tế, phức tạp; Cảm nhận qua các giác quan; Lập luận và giải quyết các vấn đề thực tế; Nhận ra các mô típ mới; Sáng tạo; Hợp tác, phối hợp với đa đối tượng; Thông minh cảm xúc xã hội… Bên cạnh đó cần có cả kỹ năng đứng dậy sau thất bại.
Định hướng nghề nghiệp cần theo quy luật của sự biến động
Trong cuộc sống biến động thì việc chọn nghề khá khó khăn. Bố mẹ và con cái đang hứng thú quyết định lựa chọn nghề này nhưng ngày hôm sau lại nghĩ lại. Điều này có thể tạm hiểu là đường đi khách quan không theo ý kiến chủ quan của mình. Cho nên định hướng nghề nghiệp đối với các con cũng cần đi theo quy luật trong thế giới biến động này.
TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ: Thực ra bản chất của sự biến động nó đến trong tất cả thời kỳ, đó là bản chất tiến hoá. Vì vậy, với tôi sự biến động là sự tiến hoá. Chúng ta tiến hoá trong công việc, trong giáo dục và chúng ta tiến hoá trong việc hướng nghiệp cho con trẻ.
Vậy sự thay đổi thì ảnh hưởng như thế nào đến việc chọn nghề nghiệp? Cả nhà tôi đều là giáo viên, bố giáo viên dạy Toán còn mẹ là giáo viên dạy Văn. Nhưng chưa bao giờ bố mẹ định hướng tôi theo nghề. Trong nhà tôi có ông làm nghề y cũng đã từng chọn tôi trong rất nhiều đứa cháu để theo nghề. Nhưng qua những lần vào bệnh viện và cảm giác mỗi khi vào bệnh viện không tốt, tôi quyết tâm không theo nghề y. Nhưng thực tế tôi đã từng làm tiến sĩ kinh tế rồi lại về làm giáo viên. Bởi đầu tiên tôi muốn trải nghiệm một thứ khác những gì mà mình đã biết. Thời gian học kinh tế cũng cho tôi nhiều kỹ năng để bước sang một ngành khác. Và khi làm về giáo dục lâu dài thì tôi hiểu nó hợp với tính cách, thiên hướng và khả năng của mình.
TS Hiếu cho biết, ông may mắn được làm việc, tiếp xúc với đối tượng học sinh rất đa dạng. Và phần lớn phụ huynh của Việt Nam có nền tảng gia đình khác nhau. Cho nên ông hiểu được phần nào về những điều mà các học sinh cần, và cách để giúp học sinh trên bước đường lựa chọn tương lai.
“Làm việc với các học sinh 15 năm nay tôi nghĩ rằng, trong khoảng chừng 5 nghìn học sinh mà tôi làm việc cũng phải có tới trên một nửa học sinh là đi theo con đường rất khác định hướng của bố mẹ từ thời phổ thông lên đại học, thậm chí có những bạn vào đại học rồi thì cũng có tới 20-30% chuyển ngành ngay trong lúc đang học đại học. Thậm chí có những người như tôi học hết đại học rồi làm một nghề hoàn toàn khác” - TS Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, bản thân chúng ta ngồi đây không biết được thế giới thay đổi như thế nào. Chúng ta cũng không nhìn được tất cả mọi con đường, lựa chọn mà các bạn học sinh có thể tiếp xúc được trong thế giới này và trong tương lai, trong đại học hay là trong công việc, thậm chí những lựa chọn đó còn chưa chắc tồn tại. Vậy thì chúng ta không thể nào vẽ một con đường quá rõ ràng, vì theo tôi thậm chí 3-4 con đường đôi khi còn quá ít với các bạn. Thế thì cái mà chúng ta có thể cho các con đầu tiên chính là những trải nghiệm sống, những tương tác, những tiếp xúc.
Hãy cho con những trải nghiệm, những kỹ năng…
Chia sẻ rõ hơn về quan điểm nói trên, TS Hiếu kể: Tôi vẫn nhớ, có phụ huynh bảo với tôi rằng thầy giáo hướng nghiệp cho con đi. Và tôi trả lời, tôi không biết thế giới các bạn ấy sẽ sống nó như thế nào. Thậm chí thế giới tôi mường tượng cho các bạn nó rất khác, có khi sẽ thay đổi rất nhiều.
Nhưng cái tôi có thể cho các bạn là kết nối các bạn với rất nhiều những môi trường và rất nhiều trải nghiệm ở những công ty, những tập đoàn, những anh chị cô chú ở rất nhiều lĩnh vực và ở rất nhiều “điểm chạm”. Đồng thời có một điều tôi chắc chắn được rằng, biết đâu trong một “điểm chạm”, các em tình cờ “chạm” được một thứ mà các em thực sự phù hợp, yêu thích.
Tôi là một thầy giáo nên tôi chỉ cần nhìn vào ánh mắt của các học sinh để nhận biết. Chẳng hạn khi học sinh đó nhìn 20 trải nghiệm, 20 công ty mà mắt đều “trơ” ra buồn ngủ nhưng tự nhiên có một trải nghiệm làm em say mê hứng thú thì đó là điểm khác biệt.
Ví dụ đợt vừa rồi tôi có dẫn các bạn vào một công ty, có một học sinh chuyên gia ngủ gục trong lớp, mặc dù bạn học rất giỏi và gia đình bạn làm về thời trang rất mạnh nhưng bạn không hề thích học. Nhưng khi tôi kết nối với một nhà kinh tế facebook nói về thuật số để làm sao điều chỉnh được hành vi con người thì ánh mắt của bạn trong vòng 3 tiếng đồng hồ đều rất chăm chú. Lần đầu tiên trong nhiều năm học ở trường, tôi thấy bạn ấy chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối. Tôi biết, đó chính là “điểm chạm” trong con người của bạn.
Điều đầu tiên theo tôi đó là trải nghiệm. Yếu tố thứ hai là kỹ năng. Thực ra có một số nghề cần đến kỹ năng rất đặc thù, ví dụ vật lý hạt nhân hay bác sĩ phẫu thuật thì rất đặc thù. Nhưng có rất nhiều nghề trong xã hội này, kỹ năng của nó không nhất thiết có đặc thù. Đó là kỹ năng chung.
Vì vậy trong tất cả việc học hướng nghề trải nghiệm, câu đầu tiên tôi đặt ra là tôi không cần biết đó là trải nghiệm gì nhưng cái chúng ta đang cho học sinh là năng lực gì, và cái năng lực đó nó phải có sự chuyển giao với rất nhiều các ngành nghề trong tương lai. Và điều quan trọng là phẩm chất và giá trị gì mà chúng ta cho một đứa trẻ.
Thành ra tôi không cần biết mai kia em có thể làm kiểm toán hay kế thừa tài sản của bố mẹ hay tất cả những thứ khác. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, bản thân một đứa trẻ trong thế giới đầy biến động này nếu không có kỹ năng quản lý cảm xúc những mối quan hệ xã hội thì đối với tôi có thành công cỡ nào cũng dễ bị sụp đổ và dễ dẫn đến những nhận định sai lầm trong cuộc đời của mình. Đối với tôi, điều rất quan trọng là kỹ năng quản lý cảm xúc xã hội, thậm chí kỹ năng sáng tạo.
Ngành nghề bây giờ cũng cần năng lực tư duy sáng tạo mà đây là điểm rất yếu của người Việt Nam chúng ta nói chung. Vậy thì đối với các em hãy cho rất nhiều trải nghiệm và biết đâu các em sẽ chạm đến trải nghiệm mà các em yêu thích nhất, kết dính nhất với bản thân mình.
Trong tất cả mọi trải nghiệm hãy đặt câu hỏi là chúng ta đang cho đứa trẻ một năng lực, một phẩm chất, một tính cách, một giá trị gì mà sẽ giúp nó đứng vững trong thế giới nhiều thay đổi này. Thậm chí khi các em bước ra đời chúng ta chưa chắc vẫn còn ở bên cạnh để mà chỉ bảo cho chúng.
TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ: Thời bây giờ có quá nhiều các bạn trẻ bị trầm cảm bởi vì các bạn được lớn lên trong một xã hội mà không tập trung được cảm xúc xã hội, rất nhiều quyết định mà các em đưa ra đường đột và đưa ra nối tiếp.
Thế thì trong thế giới đầy biến động như thế này có nhiều những biến số làm cho con người, kể cả là người lớn chúng ta cũng hoang mang, lạc lõng. Và rất nhiều những cảm xúc tiêu cực đến. Mỗi người chúng ta khi lên mạng xã hội mở ra là bao nhiêu những thông tin (trong đó có thông tin tiêu cực). Làm sao chúng ta sống trong xã hội đó nếu chúng ta không kiểm soát được những biến số xảy đến với chúng ta, kiểm soát được cách chúng ta ứng phó với biến số đó?
Bản thân anh đi lên bằng năng lực tư duy nhưng anh lại không có cảm xúc xã hội thì tất cả những gì anh xây dựng có thể bị sụp đổ trong một sớm một chiều. Đối với tôi, đó là những cái mà chúng ta cần.
Chúng ta định hướng nghề nhưng trong xã hội, bối cảnh này, năng lực nào sẽ giúp một con người đứng vững trong một xã hội đó cần được quan tâm. Cái khuôn định sẵn có thể là một cái khuôn rất đẹp nhưng 10 năm sau đó có thể là một cái khuôn kìm hãm các bạn.