Giáo dục

Hướng nghiệp ở trường THPT: Không chỉ lý thuyết suông

Nguyễn Hoài 07/12/2023 10:22

Hình thức đưa học sinh tham quan, trải nghiệm làm sinh viên tại các trường đại học là một trong những cách thức hướng nghiệp hiệu quả hiện nay của nhiều trường THPT.

Thay đổi hình thức hướng nghiệp

Năm học 2023-2024 đã gần đi qua một nửa học kỳ. Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang tăng tốc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp tới.

Chọn ngành, chọn trường học nào phù hợp với sở thích, năng lực bản thân là băn khoăn, lo lắng của không ít học sinh.

Để giúp các em hiểu rõ hơn môi trường đại học, thời điểm này, nhiều trường THPT đã tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế tại các trường đại học.

Thay vì chỉ nói lý thuyết suông, hình thức hướng nghiệp mới này giúp học sinh có cảm nhận thực tế, để xác định và lựa chọn ngành nghề phù hợp với mong muốn, sở thích.

W_cac-em-hoc-sinh-hao-hung-tham-quan-phong-thi-nghiem-cua-khoa-dien-dien-tu.jpg
Học sinh tham quan, trải nghiệm làm sinh viên tại trường đại học.

Tham gia trải nghiệm tại Trường Đại học Phenikaa, em Lâm Như Thủy, học sinh lớp 12 Trường THCS và THPT Ban Mai (Hà Nội) cho biết, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, giúp học sinh đỡ bỡ ngỡ khi chuẩn bị bước chân vào cánh cổng trường đại học.

“Em có sở thích và xác định chọn học ngành Quản trị khách sạn. Khi đến tham quan và trải nghiệm môi trường đại học, được thầy cô, anh chị sinh viên đang theo học ngành này hướng dẫn giúp em có thêm động lực để học tập và chuẩn bị thật tốt để theo học ngành bản thân mơ ước”, Thủy nói.

Hào hứng trải nghiệm làm sinh viên, em Dương Vân Dung, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ - Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng: “Việc tham quan trải nghiệm này giúp em có góc nhìn mới mẻ về ngôi trường đại học trong tương lai”.

Theo chia sẻ của giáo viên, mỗi chuyến tham quan trường đại học là bài học lớn, rất ý nghĩa.

Được trải nghiệm, tham quan thực tế các hoạt động sinh hoạt, học tập, nghiên cứu cùng sinh viên giúp công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh hiệu quả hơn. Trong quá trình tham quan, học sinh được tư vấn nhiều thông tin hữu ích.

Cô Phạm Bích Diệp, giáo viên Trường THCS và THPT Ban Mai cho biết, phương thức tư vấn truyền thống như tập trung học sinh để hỏi đáp tại các cơ sở giáo dục phổ thông hay qua các phương tiện truyền thông để thông tin đến học sinh những vấn đề về công tác tuyển sinh không gợi mở hết những gì các em muốn biết, muốn hỏi.

Học sinh không thể cảm nhận ngành nghề mình chọn sẽ học như thế nào, cuộc sống sinh viên cần có những kỹ năng gì, phương pháp học của sinh viên có gì khác.

Theo cô Diệp, được trực tiếp đến trường, trải nghiệm, các em học sinh được giải đáp cặn kẽ về những vấn đề liên quan đến chỉ tiêu, ngành nghề mình chọn, phương thức tuyển sinh... đồng thời được trải nghiệm thực tế như một sinh viên của trường là điều rất hay.

Định hướng chọn ngành, chọn trường

Qua mỗi mùa thi cử, không thiếu những câu chuyện về nhiều sinh viên thất vọng vì học không đúng ngành, đúng nghề.

Thực tế này cho thấy công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cần tiếp tục điều chỉnh, thay đổi phù hợp.

Cùng với các trường THPT, những năm qua, nhiều trường đại học, cao đẳng cũng chủ động tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, trước mùa tuyển sinh, nhiều học sinh phổ thông ở các tỉnh đã về trường để có những trải nghiệm thử làm sinh viên.

Mới đây, Trường Đại học Phenikaa đã đón gần 700 học sinh tới từ Trường THCS và THPT Ban Mai; Trường THPT Nguyễn Huệ - Nam Từ Liêm tham quan, trải nghiệm.

W_cac-phong-thi-nghiem-la-noi-thu-hut-su-quan-tam-cua-rat-nhieu-hoc-sinh.jpg
Học sinh được cung cấp cái nhìn thực tế về ngành học, trường học yêu thích khi tham quan trường đại học.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho biết, nhiều em học sinh đã đặt những câu hỏi thiết thực như: cách thức tuyển sinh, các chính sách, học bổng, môi trường học tập, cơ hội nghề nghiệp và được các thầy cô nhà trường giải đáp nhiệt tình.

Đặc biệt năm nay, các thầy cô làm công tác tư vấn đã lắng nghe tâm sự của các em học sinh, để cùng trao đổi, thảo luận đưa ra lời khuyên tốt nhất để các em lựa chọn ngành, trường phù hợp cho mình.

“Hình thức đưa học sinh tham quan, trải nghiệm một ngày làm sinh viên là một trong những cách thức hướng nghiệp hiệu quả hiện nay của nhiều trường.

Học sinh được cung cấp cái nhìn thực tế và toàn diện hơn về ngành học, trường học yêu thích. Từ đó, các em có thể xác định được sở thích, năng lực của bản thân và lựa chọn ngành học phù hợp trước khi Kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 tới”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho biết.

Về công tác tuyển sinh năm 2024, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng sư phạm về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.

Về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Bộ GDĐT yêu cầu các trường hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu.

Trong đó, Bộ đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng nghiệp ở trường THPT: Không chỉ lý thuyết suông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO