Theo các chuyên gia tuyển sinh, chương trình giáo dục phổ thông mới với bậc học phổ thông được xác định là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Vì thế, cách thức hướng nghiệp mà nhà trường đang thực hiện sẽ tác động mạnh mẽ đến học sinh, giúp các em sớm định hướng được ngành học yêu thích, hạn chế thấp nhất việc đổi lớp lựa chọn.
Hướng nghiệp cần đi vào thực chất
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lý giáo dục cho rằng, giáo dục hướng nghiệp thực chất là những hoạt động nhằm hỗ trợ học sinh có được định hướng, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội/thị trường lao động. Quy trình định hướng phát triển nghề nghiệp là một vòng lặp, bắt đầu từ: Nhận thức bản thân - nhận thức về thế giới nghề nghiệp, khám phá cơ hội phù hợp - lập kế hoạch nghề nghiệp.
Theo bà Huyền, lâu nay một số cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục hướng nghiệp chủ yếu cho học sinh qua một vài buổi tập trung toàn khối nghe một vài diễn giả nói chuyện về lựa chọn nghề nghiệp, tổ chức cho học sinh học nghề một cách hình thức. Cách làm này sẽ giống như “nước đổ lá khoai”, không giúp gì cho học sinh nhận ra và làm gia tăng giá trị của bản thân cũng như hiểu biết về thế giới nghề nghiệp, lại càng không giúp gì cho học sinh lập kế hoạch nghề nghiệp đúng, trúng, phù hợp với sở trường, đam mê, giá trị, điều kiện của bản thân…
Bà Phan Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thuận (Bắc Giang) cho biết, nhà trường đã tổ chức ngày hội hướng nghiệp để mời các trường ĐH ở Hà Nội về tư vấn tại chỗ cho học sinh. Tuy nhiên, theo bà Hà lâu nay việc hướng nghiệp vẫn dừng lại ở lý thuyết, bởi học sinh có quá ít giờ học trải nghiệm thực tế. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 07/2022/TT-BGDĐT quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục, nhưng vẫn rất khó để một doanh nghiệp tiếp nhận học sinh đến tham quan cơ sở sản xuất.
Hướng nghiệp sớm sẽ tốt hơn
Các chuyên gia tuyển sinh đều có chung quan điểm, rất cần cách làm thật về hướng nghiệp để tạo ra nhận thức thật về bản thân và thế giới nghề nghiệp, hỗ trợ học sinh có được định hướng, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội/thị trường lao động của địa phương, quốc gia và xu thế tương lai. Việc hiểu sai về hướng nghiệp dẫn đến phải chờ đến cuối cấp THCS, THPT mới bắt đầu thực hiện, rõ ràng là chậm.
Chỉ ra tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp phù hợp với từng độ tuổi, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn kiêm giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Hàng năm lượng sinh viên vào trường có khoảng 2.000 em nhưng sau 1 năm học chỉ còn 1.700 em. Học hết năm 2 thì chỉ còn 1.500, hết 4 năm còn 1.400 em... Đây là hệ quả của công tác hướng nghiệp suốt một thời gian dài.
Để công tác hướng nghiệp thực chất hơn, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu cho rằng, cần có đội ngũ giáo viên tư vấn chuyên nghiệp, có số liệu thực tiễn, không phải áp đặt chủ quan, không phải chọn ngành này theo gia đình. Hướng nghiệp thực sự phải gắn kết giữa gia đình - nhà trường - người học - người lao động - doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia hướng nghiệp, Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, cần 3 yếu tố để công tác tư vấn hướng nghiệp đạt hiệu quả, gồm: Giáo dục hướng nghiệp bài bản, trải nghiệm hướng nghiệp thực tế và tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp. Điều này sẽ giúp cho các bên liên quan biết được thế giới cần gì, công dân thế kỷ 21 đáp ứng những trụ cột nào, hiểu nhà tuyển dụng tương lai cần kiến thức, kỹ năng gì. Ông Nam nhấn mạnh: Hướng nghiệp phải bắt đầu từ các cấp học đầu đời, được bồi đắp theo từng giai đoạn từ tiểu học, THCS, THPT cho tới ĐH.