Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh

THANH GIANG 12/05/2023 06:00

Chiều 11/5, tại TPHCM diễn ra hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất xuống thấp hơn.

Ngành ngân hàng tập trung hướng dòng tiền vào sản xuất kinh doanh.

Mong lãi suất tiếp tục hạ nhiệt

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, Đông Nam bộ là vùng kinh tế đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm của cả nước. Năm 2022, tổng GRDP của khu vực chiếm 30,8% cả nước, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 40,4%, thu ngân sách chiếm 45% tổng thu ngân sách cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua vùng Đông Nam bộ còn gặp một số khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế khu vực đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Một số tỉnh, thành phố có mức tăng GRDP quý 1/2023 ở mức thấp, như: TPHCM tăng 0,7%%, Bình Dương tăng 1,15%, Tây Ninh tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,3%), hoặc tăng trưởng âm như Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 4,75%.

Theo lãnh đạo NHNN, sản xuất, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhiều DN không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao. Thị trường bất động sản khu vực tiếp tục khó khăn – cung, cầu, giá đều giảm. Số vốn đăng ký DN thành lập mới giảm và số DN tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ...

Theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM, NHNN đã giảm lãi suất, gia hạn nợ, lắng nghe vướng mắc, khó khăn của DN, tạo điều kiện đến DN tiếp cận vốn. Song bà Chi vẫn trăn trở về việc lãi suất cho vay hiện hành còn quá cao. “Cần tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 0,5% trong tháng 5 này. Lãi suất vay 10% gây khó khăn cho tái sản xuất, khấu hao trang thiết bị... Vì vậy, việc kéo giảm lãi suất nên được tiếp tục thực hiện” – bà Chi đề xuất. Bà Chi cũng kiến nghị, các ngân hàng thương mại nhanh chóng triển khai các chính sách của nhà nước, tránh trường hợp chính sách có nhưng DN chậm được tiếp cận.

Về tình hình kinh tế trên địa bàn, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong quý I tăng trưởng kinh tế của thành phố ở mức thấp. Dự báo những tháng còn lại kinh tế thành phố tiếp tục đối mặt với khó khăn. Ông Mãi kiến nghị, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tăng cường tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên để phát huy nguồn vốn. Ổn định lãi suất, hướng đến giảm lãi suất cho vay. Ghi nhận hầu hết DN, mặt bằng lãi suất thời gian qua có giảm nhưng vẫn còn cao, trung bình 10%, DN mong muốn lãi suất cho vay giảm còn 7 – 8%.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo ông Đào Minh Tú, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Về lãi suất, lãnh đạo NHNN khẳng định, NHNN đã 2 lần giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,3-1%/năm. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm... Mặt bằng lãi suất thị trường đã dần ổn định, nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Song song với việc giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay, theo NHNN, hiện các ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với các nhóm khách hàng của ngân hàng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường. Đơn cử, BIDV triển khai gói 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm. Agribank triển khai chương trình tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp vay ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1 - 1,5% thông thường, với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD. VCB dành 100.000 tỷ đồng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh với lãi suất từ 7,5% - 8,8%/năm,...

“Dù NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là cầu tín dụng của nền kinh tế giảm. Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý. Thứ ba, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của DN khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm…)” - ông Đào Minh Tú lý giải.

Nỗ lực chuyển đổi số

Sáng ngày 11/5, Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023. Đại diện NHNN cho biết, thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đã đạt được kết quả tích cực.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết ngày 24/4 vừa qua Thống đốc NHNN và lãnh đạo Bộ Công an đã ký Kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 (Đề án 06 là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 - PV). NHNN cho biết, chủ đề của Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023 là “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Chủ đề này nhấn mạnh, khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng.

Riêng về việc chuyển đổi số ngành ngân hàng hiện nay, 95% tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều TCTD chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số.

T.Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO