Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội nhân văn, nhân đạo và rất cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về BHYT của Nhà nước.
Quyết liệt triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT
Theo thông tin từ Cổng Tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có hơn 63 triệu hồ sơ của 12.328 cơ sở Khám chữa bệnh (KCB) gửi lên Cổng Tiếp nhận, với tổng số chi phí KCB tương ứng trên 43.000 tỷ đồng.
Trong số hơn 63 triệu hồ sơ có hơn 62,9 triệu hồ sơ đã được gửi sang đề nghị giám định thanh toán với tổng số tiền đề nghị thanh toán trên 42.900 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày người bệnh ra viện trong toàn quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 92,3%.
Từ những số liệu trên, có thể thấy được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT trong toàn ngành Y tế đang được triển khai rất quyết liệt, với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, trong giám định chi phí và thanh toán BHYT, góp phần tăng độ chính xác và hiệu quả trong quản lý nhà nước về BHYT.
Theo Vụ BHYT, Bộ Y tế, việc sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt quan trọng không chỉ trong việc đảm bảo tính kịp thời, minh bạch trong giám định và thanh toán chi phí mà còn đảm bảo việc quản lý sử dụng dịch vụ y tế khi có sự liên thông giữa các cơ sở KCB, đảm bảo kiểm soát việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ y tế đối với người có thẻ BHYT là phù hợp, hiệu quả, tránh lạm dụng từ phía người bệnh và người cung cấp dịch vụ.
Không dừng tại đó, BHXH Việt Nam cho biết sau hơn 6 tháng thực hiện, đã có 690 hồ sơ cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất được tiếp nhận và giải quyết từ Cổng dịch vụ công quốc gia. Với dịch vụ công này, người dân chỉ cần máy tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone) kết nối internet là có thể thực hiện cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất mà không phải ra khỏi nhà.
Ngay khi cán bộ BHXH thụ lý hồ sơ, người dân sẽ nhận được tin nhắn hẹn trả kết quả. Khi có kết quả, người dân cũng nhận được thông báo để có thể đến nhận thẻ BHYT hoặc chờ nhận chuyển phát nhanh. Theo BHXH Việt Nam, số lượng hồ sơ cấp lại thẻ BHYT trung bình hằng năm khoảng 2,6 triệu. Khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, người dân sẽ giảm thời gian đi lại và chi phí.
Cuối năm 2020, mục tiêu 90,7% tỷ lệ bao phủ BHYT
Ngày 28/6/2016, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1167/QĐ-BYT về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu bao phủ BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố. Theo đó Thủ tướng Chính phủ giao tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2017 là 82,2%, năm 2018 là 85,5%, năm 2019 là 88,1% và năm 2020 là 90,7%.
Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam chỉ đạo UBND các tỉnh thực hiện nghiêm Quyết định số 1167/QĐ-BYT của Thủ tướng. Kết quả, đến hết năm 2019 có 85,945 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 89% dân số; ước tính đến tháng 6/2020 có 85,428 triệu người tham gia BHYT, tăng 828.000 người so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 517.000 người so với thời điểm hết năm 2019 (nguyên nhân là do dịch bệnh Covid người lao động tại một số doanh nghiệp không có việc làm), đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số (Báo cáo số 1883/BC-BHXH ngày 12/6/2020 của BHXH Việt Nam), hoàn thành chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao (Đảng, Quốc hội giao tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 là trên 80%), đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 (năm 2019 Thủ tướng giao 88,1%), trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.
Với kết quả này, mục tiêu đến hết năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là có khả năng thực hiện được và phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% dân số tham gia BHYT theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.
Thực hiện Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 1 tháng 7 hàng năm là “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam”, với mục đích tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện chính sách pháp luật BHYT, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chính sách, pháp luật BHYT, nhằm tiếp tục vận động, huy động các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội, các tổ chức, hội, đoàn thể và toàn thể người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, chủ đề truyền thông về BHYT trong năm 2020 là “Thực hiện nghiêm Luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.