Để chống lãng phí, Bộ Tài chính đang nghiên cứu chính sách thuế với trường hợp nhiều diện tích bất động sản (BĐS) bỏ hoang; chậm đưa đất vào sử dụng.
Nhà nước hiện thực hiện thu các khoản liên quan đến BĐS trong 3 giai đoạn chính: Thứ nhất xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ. Hai là, sử dụng BĐS: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp (chưa áp dụng thuế đối với nhà trong giai đoạn này). Ba là, chuyển nhượng BĐS: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, các quy định hiện tại vẫn chưa đủ đồng bộ.
Một trong những định hướng quan trọng là nghiên cứu áp dụng thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất và đất bỏ hoang. Đây là giải pháp nhằm hạn chế đầu cơ, thúc đẩy việc sử dụng BĐS tiết kiệm, hiệu quả. Gần đây, trong bối cảnh giá nhà ở tăng không ngừng, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Bộ Tài chính được yêu cầu cùng nghiên cứu, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) đề xuất chính sách thuế BĐS áp cho 2 đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đang tập trung vào các trường hợp như: sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở; đất bỏ hoang; đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng. Những vướng mắc này sẽ được phân tích kỹ lưỡng để đưa ra các giải pháp phù hợp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quản lý và phát triển thị trường BĐS.
Theo Bộ Tài chính, các giải pháp cải cách thuế BĐS sẽ không chỉ tập trung vào việc tăng thu ngân sách mà còn hướng tới mục tiêu lớn hơn là thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch, ổn định và bền vững. Những cải cách này kỳ vọng sẽ giúp hạn chế đầu cơ, khuyến khích sử dụng BĐS hợp lý, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đến nay, mặc dù có rất nhiều nguồn lực đã được huy động để thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS nhưng sự tham gia của các công cụ tài chính còn hạn chế.
Còn theo TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính), cần xác định rõ mục tiêu tổng quát và cụ thể của chính sách thuế BĐS. Mục tiêu tổng quát của chính sách thuế BĐS là thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, việc này còn giúp quản lý chặt chẽ đất đai, chống lãng phí nguồn lực đất đai, chống đầu cơ; thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, chống lãng phí; thúc đẩy đầu tư nâng cao giá trị đất đai.
Cùng với đó, thuế BĐS nhằm huy động hợp lý nguồn tài chính từ đất đai để đầu tư xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng trong điều kiện thu nhập của các tầng lớp dân cư thông qua thuế BĐS.