Mặt trận

Hướng tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 - Xung lực mới từ quá trình đổi mới

Tuệ Phương 03/06/2024 14:37

LTS: Năm 2024 là năm diễn ra Đại hội MTTQ các cấp hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024 - 2029, nhằm chọn ra những cán bộ đủ năng lực, phẩm chất để thực hiện công tác Mặt trận trong giai đoạn mới. Với vị thế là Thủ đô của đất nước nước, địa bàn rộng, vừa có khu vực là đô thị phát triển, vừa có địa bàn vùng sâu, vùng xa, công tác Mặt trận TP Hà Nội đòi hỏi những đặc thù riêng. Nhân dịp này, Báo Đại Đoàn Kết giới thiệu loạt bài Hướng tới Đại hội đại biểu MTTQ TP Hà Nội khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

bai-tren.png

Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, công tác tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bước vào thời đại 4.0, công tác xây dựng khối đại đoàn kết đứng trước những thách thức mới. Song, các cấp MTTQ TP Hà Nội đã có nhiều đổi mới để thích ứng. Những đổi mới này tiếp tục được kế thừa, phát huy trong nhiệm kỳ mới, khi Đại hội MTTQ các cấp đang diễn ra sôi nổi.

Đưa công nghệ số vào Đại hội

Hình ảnh những cán bộ Mặt trận sử dụng công nghệ để tuyên truyền, vận động không còn xa lạ với cộng đồng, điển hình như thời điểm Covid-19. Nhiều hoạt động vận động mọi người tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, đóng góp gây quỹ đều được thực hiện từ xa, thông qua mạng xã hội. Ngay cả những cán bộ Mặt trận ở tuổi ngoài 70 cũng sử dụng mạng xã hội. Việc vận động từ xa được triển khai do thực hiện giãn cách khi phòng, chống dịch bệnh, nhưng rồi, người cán bộ Mặt trận mau chóng phát huy, “nâng tầm” những hoạt động này, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp để nâng cao hiệu quả các cuộc vận động, phong trào. Giờ đây, ở bất cứ phường, xã nào, chúng ta cũng gặp những nhóm Zalo, nhóm Facebook của cán bộ Mặt trận để xây dựng bảo vệ môi trường, nhắc nhở các gia đình gìn giữ vệ sinh chung; hay vận động quyên góp ủng hộ…

Những câu chuyện kể trên là một trong những hình ảnh đại diện cho sự đổi mới của công tác Mặt trận hôm nay. Và sự đổi mới sẽ tiếp tục được kế thừa trong giai đoạn mới. Huyện Đan Phượng là đơn vị tổ chức Đại hội MTTQ điểm của khối ngoại thành. Và trong báo cáo về kết quả hoạt động thời gian qua trên địa bàn, không thể không nhắc tới mô hình “Thôn thông minh”. Triển khai mô hình “Thôn thông minh” với việc người dân thực hiện các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử... 100% các thôn của Đan Phượng thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ bà con thực hiện chuyển đổi số. Trong những Tổ công nghệ số cộng đồng ấy, không thể thiếu vắng vai trò của Mặt trận. Cán bộ Mặt trận vừa vận động người dân triển khai ứng dụng số vào đời sống, đồng thời trực tiếp sử dụng các ứng dụng để vận động, tuyên truyền. Sau thành công của “Thôn thông minh”, Đan Phượng đã triển khai mô hình chuyển đổi số cấp xã.

Còn quận Long Biên cũng là quận có tốc độ phát triển thuộc diện năng động nhất của Hà Nội. Và điều đó cũng được phản ánh rõ nét tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Bà Vũ Thị Thành - Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Long Biên cho biết, MTTQ quận đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả các trang fanpage, nền tảng số để vận động, tập hợp, nắm tình hình nhân dân. Qua đó góp phần tăng cường kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận. MTTQ Việt Nam quận đã chủ động lựa chọn, xây dựng 10 quy trình công việc trong thực hiện các hoạt động công tác Mặt trận, hoàn thành vượt mức 7/7 chỉ tiêu Đại hội nhiệm kỳ IV đề ra. Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp trong quận đã xây dựng, duy trì, nhân rộng 43 mô hình tự quản; vận động Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” và các quỹ an sinh xã hội đều đạt và vượt chỉ tiêu, đứng tốp đầu của thành phố…

Cũng như nhiều quận, huyện khác, Ủy ban MTTQ quận Ba Đình đã chủ động tích cực, đổi mới công tác; phối hợp UBND cùng cấp xây dựng phường văn minh đô thị bằng nguồn xã hội hóa, vận động nhân dân chung tay tham gia thực hiện. Trong đó, ưu tiên phát triển chuyển đổi số, mạng xã hội trong vận động, tập hợp quần chúng nhân dân. Bà Đỗ Thị Duy Nhiên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Ba Đình cho biết, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã làm đổi thay diện mạo đô thị, từng bước thực hiện mục tiêu “xây dựng quận Ba Đình thành địa phương đi đầu về văn minh đô thị”. Cùng với đó là các mô hình của Ủy ban MTTQ 14 phường như: “Hỗ trợ thường xuyên cho trẻ em và người có hoàn cảnh khó khăn”, “Tủ thuốc nghĩa tình”; vận động các nguồn lực xây mới, sửa chữa nhà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Trong đó, nhiều nội dung đã được tuyên truyền rộng rãi trên trang fanpage và nhóm Zalo của cán bộ Mặt trận. Nhờ đó, việc vận động ủng hộ các loại quỹ trong 5 năm đều vượt chỉ tiêu đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Công tác chăm lo hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách xã hội được triển khai ngày càng bài bản, hiệu quả; giảm 100% hộ cận nghèo từ năm 2022, hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu giảm nghèo.

bai-tren.jpg
Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tham quan gian trưng bày tại Đại hội MTTQ huyện Đan Phượng. Ảnh: N. Phượng.

Nhiều sáng tạo trong công tác tổ chức Đại hội

Đánh giá công tác triển khai tổ chức Đại hội MTTQ các cấp, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở hướng dẫn đầy đủ, cụ thể của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, MTTQ các quận, huyện đã triển khai đảm bảo chất lượng và có sự sáng tạo riêng. Trong đó, có những nội dung rất mới so với Đại hội nhiệm kỳ trước và so với mong muốn của chính những người làm Mặt trận. Ví dụ, như việc xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ cho Đại hội đã tạo được không khí thật sự sôi nổi, hào hứng với mỗi đại biểu khi đến Đại hội. Các doanh nghiệp tham gia vào Đại hội bằng việc giới thiệu các sản phẩm, các nghệ nhân làng nghề; từ đó đã mang đến cho Đại hội những sản phẩm làng nghề tiêu biểu, sản phẩm OCOP của địa phương và không ngừng mở rộng đối tượng tham dự hội chợ. Tại Đại hội MTTQ huyện Đan Phượng, ngoài tổ chức hội chợ trưng bày sản vật của huyện thì các tỉnh, thành bạn cũng đưa các sản phẩm đến giới thiệu, để trưng bày, quảng bá. Đây là việc mới, có chất lượng, hiệu quả cao, tạo được không khí tốt đẹp trong Đại hội. Hay việc xã hội hóa các hoạt động khác để hỗ trợ cho Đại hội đã được nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn hưởng ứng tích cực.

Ngoài ra, MTTQ nhiều quận, huyện còn sáng tạo trong lựa chọn địa điểm, bố trí chương trình, nội dung của Đại hội như có cách làm khác nhau, không gian Đại hội khác nhau để tuyên truyền, giới thiệu, đảm bảo hiệu quả của Đại hội cũng như đảm bảo tính chính trị của Đại hội.

“Tôi rất phấn khởi khi những hoạt động mới đã được khẳng định, được quan tâm nhiều hơn so với nhiệm kỳ trước và so với chính hướng dẫn của MTTQ TP Hà Nội. Các đơn vị tổ chức Đại hội đã rất chu đáo, cẩn thận trong từng khâu công việc để Đại hội thật sự là một sự kiện chính trị mà nhân dân được quan tâm, nhân dân được tham gia trực tiếp từ khâu đầu tiên của công tác chuẩn bị cho đến ngày tổ chức Đại hội. Việc xã hội hóa các nội dung Đại hội và hỗ trợ cho Đại hội cũng sẽ được quan tâm nhiều” - bà Nguyễn Lan Hương cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 - Xung lực mới từ quá trình đổi mới