Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028: Những giáo dân tiêu biểu

Tuệ Phương 26/07/2023 07:33

Với hơn 200.000 người đang sinh sống ở 428 giáo họ, tại 326/579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội, đồng bào công giáo Thủ đô Hà Nội đã đóng góp một phần quan trọng vào phong trào thi đua yêu nước. Ở đó, các giáo dân Công giáo luôn là những hạt nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động mà thành phố phát động.

Ban Đoàn kết Công giáo quận Đống Đa (Hà Nội) thu gom rác thải để bảo vệ môi trường.

Linh mục Dương Phú Oanh - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội cho biết, hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Trong đó, nổi bật là đồng bào Công giáo Thủ đô luôn đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống và khuyến khích người dân làm giàu chính đáng.

Tiêu biểu cho những giáo dân Thủ đô tích cực phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, đó là ông Lê Thành Minh - Trưởng ban Đoàn kết Công giáo quận Tây Hồ. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất có nghề trồng đào nổi tiếng của Hà Nội nên ông Minh cùng nhiều giáo dân tại Giáo họ Phú Gia, Giáo xứ Thượng Thụy, thuộc phường Phú Thượng luôn có ý thức giữ gìn và phát triển nghề của cha ông. Ông Minh cho biết, quá trình đô thị hóa khiến diện tích đất trồng đào ngày càng bị thu hẹp. Vì yêu nghề, quý nghề mà chúng tôi đã đến các huyện như Đông Anh, Đan Phượng để thuê đất trồng đào, giữ nghề truyền thống. Trước đây, gia đình tôi canh tác khoảng 4.000m2 đất, thu về khoảng 500 triệu đồng/năm. Hiện gia đình tôi chỉ còn canh tác khoảng 2.000m2 đất với thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Thu nhập tuy không cao, nhưng với gia đình tôi như thế là đã đủ. Và quan trọng hơn là từ vườn đào của mình, chúng tôi có điều kiện để giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh còn khó khăn trong cuộc sống.

Còn ông Phạm Văn Diệm, ở xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, hầu như bà con trong xã ai cũng biết đến là một giáo dân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội. Không chỉ là người đứng đầu giáo họ Ngọc Hồi, ông Diệm còn là chủ doanh nghiệp có tiếng sản xuất, kinh doanh giỏi trong lĩnh vực cơ khí, tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động địa phương, giúp họ có thu nhập, cuộc sống ổn định.

Ông Diệm cho biết, với tư cách là Ủy viên Ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội, trong những năm qua, cùng với ban Mục vụ, ông luôn tuyên truyền, vận động giáo dân trong giáo họ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của địa phương, phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa cộng đồng giáo dân với các ban, ngành, đoàn thể cũng như tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Không chỉ tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhiều giáo dân, giáo họ trên địa bàn Thủ đô còn đi đầu trong giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, phải kể đến mô hình bảo vệ môi trường của giáo xứ Cẩm Cơ, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Ông Lê Danh Lam - Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Thường Tín cho biết, từ khi triển khai mô hình đầu tiên đến nay, phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu, khích lệ bà con có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Huy Thông - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội cho biết, phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc vì mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, đồng bào Công giáo Thủ đô luôn đoàn kết nỗ lực, chung sức, chung lòng, đồng thuận tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do TP Hà Nội và Ủy ban MTTQ các cấp phát động.

Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo Thủ đô luôn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực vào việc thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhờ đó, đến nay, đã có 41/42 thôn Công giáo toàn tòng được công nhận là làng văn hóa; nhiều thôn Công giáo toàn tòng đã triển khai mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”… Ngoài ra, nhiều bà con giáo dân cũng đã tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí để xây dựng đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028: Những giáo dân tiêu biểu