Ngày 22/1, Văn phòng dự án “100 thành phố có khả năng chống chịu” TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo hướng tới những dòng sông không rác thải nhựa ở Việt Nam – Công viên sử dụng vật liệu tái chế tại TP Cần Thơ.
Hội thảo hướng tới những dòng sông không rác thải nhựa ở Việt Nam – Công viên sử dụng vật liệu tái chế tại TP Cần Thơ.
Phát biểu tại hội thảo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Quản lý chất thải rắn, trong đó có các loại chất thải từ vật liệu nhựa là nhiệm vụ rất khó khăn. Do tính tiện lợi của các vật dụng từ nhựa, nên lượng rác thải nhựa phát sinh ngày một nhiều và trở thành vấn đề nan giải ở nhiều địa phương, nhiều quốc gia đang đối mặt với thách thức này.
Với quan điểm xem bảo vệ môi trường là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, TP Cần Thơ luôn chú trọng tìm kiếm các giải pháp quản lý, xử lý chất thải, trong đó có những giải pháp xử lý, nghiên cứu tiềm năng để tận dụng chất thải từ vật liệu nhựa một cách hiệu quả.
Theo ông Đào Anh Dũng: Tận dụng, tái chế rác từ nhựa không những mang lại giá trị kinh tế, còn mang lại nhiều lợi ích nền tảng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững... Hội thảo là dịp để các đại biểu chia sẻ, thảo luận giải quyết những vấn đề ứng dụng xử lý chất thải nhựa.
Ông Nguyễn Chí Kiên – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP Cần Thơ khoảng 930 tấn/ngày, tuy nhiên tổng khối lượng chất thải rắn thải sinh hoạt được thu gom và xử lý mới chỉ khoảng 650 tấn/ngày.
Cũng theo Sở TN&MT, thành phố có khoảng 796 nguồn chất thải nguy hiểm và lượng chất thải phát sinh hằng năm trung bình khoảng 1.700 tấn/năm; lượng được vận chuyển, xử lý trung bình khoảng 1.500 tấn/năm; tổng lượng tự xử lý bởi các chủ nguồn thải trung bình khoảng 200 tấn/năm.
Thời gian qua, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Cần Thơ là chôn lấp và từng bước chuyển đổi qua công nghệ đốt. Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải rắn bằng các lò đốt chưa có thu hồi năng lượng, điều này gây khó khăn, lúng túng trong việc kiểm soát chất lượng khí thải. Vì vậy, thành phố cũng đang tìm kiếm các giải pháp xử lý bằng các công nghệ tiên tiến khác nhằm đảm bảo tính bền vững cũng như đảm bảo tốt về vấn đề môi trường.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe một số đại biểu trình bày về các dự án thu gom và xử lý chất thải từ nhựa.
Bà Sabine Voermans giới thiệu về dự án công viên nhựa tái chế nổi trên sông.
Bà Sabine Voermans, chuyên gia phát triển nguồn nước Hà Lan đã trình bày nghiên cứu khả thi về dự án công viên nhựa tái chế tại TP Cần Thơ.
Theo bà Sabine Voermans Việt Nam là 1 trong những quốc gia có lượng rác thải cao nhất thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và đời sống của người dân, một trong những tác động xấu nhất là ô nhiễm nguồn nước và hệ thống sinh thái lòng sông.
Bà Sabine Voermans giới thiệu về dự án công viên nhựa tái chế là hệ thống nổi trên dòng sông, di chuyển theo dòng chảy của nước và thu gom các rác thải nhựa trên sông…